Bản tin Covid-19 ngày 3.12: Cả nước 14.492 ca | Nỗ lực bảo vệ nhóm nguy cơ trong đại dịch

03/12/2021 20:02 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 3.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 3.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 14.492 ca nhiễm mới, 1.149 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 3.12 cho biết tính từ 16h ngày 2.12 đến 16h ngày 3.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.670 ca nhiễm mới; Sở Y tế Thừa Thiên-Huế đăng ký bổ sung thông tin cho 822 ca nhiễm trước đó. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố trong ngày 3.12 là 14.492 ca. Trong ngày cũng có 1.149 ca khỏi bệnh.

Ngày 3.12: Cả nước 14.492 ca Covid-19, 1.149 ca khỏi | TP.HCM 1.311 ca

Bản tin cũng thông báo về 200 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 25.858 ca.

Thông tin về 14.492 ca nhiễm vừa được công bố như sau:

  • 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 13.661 ca ghi nhận trong nước (giảm 16 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 8.628 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.311), Cần Thơ (982), Hà Nội (791), Sóc Trăng (791), Tây Ninh (779), Đồng Tháp (608), Bình Thuận (581), Bến Tre (571), Vĩnh Long (564), Bà Rịa - Vũng Tàu (560), Đồng Nai (496), Cà Mau (489), Bình Phước (477), Khánh Hòa (450), Kiên Giang (350), Bạc Liêu (334), Bình Dương (302), An Giang (285), Trà Vinh (226), Bình Định (204), Hải Phòng (198), Hậu Giang (192), Đắk Lắk (171), Đắk Nông (138), Nghệ An (133), Thừa Thiên Huế (128), Bắc Ninh (127), Hà Giang (120), Đà Nẵng (119), Tiền Giang (117), Long An (112), Thái Nguyên (98), Lâm Đồng (98), Ninh Thuận (82), Thanh Hóa (73), Quảng Nam (67), Gia Lai (48), Phú Thọ (45), Hà Tĩnh (45), Vĩnh Phúc (40), Quảng Ngãi (39), Nam Định (38), Phú Yên (37), Hải Dương (34), Tuyên Quang (30), Thái Bình (26), Hưng Yên (26), Bắc Giang (26), Hòa Bình (23), Yên Bái (19), Quảng Bình (16), Kon Tum (16), Lào Cai (7), Quảng Ninh (7), Cao Bằng (5), Bắc Kạn (4), Hà Nam (3), Điện Biên (2), Sơn La (1).
  • Ngày 3.12.2021, sau khi rà soát và bổ sung đầy đủ thông tin, Sở Y tế Thừa Thiên-Huế đăng ký bổ sung thông tin cho 822 ca nhiễm đã được lấy mẫu từ những ngày trước đó tại Thừa Thiên-Huế trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-427), Bạc Liêu (-158), Bình Dương (-112).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+292), Hải Phòng (+161), Đắk Lắk (+113).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 13.649 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.280.780 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.993 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.275.518 ca, trong đó có 1.003.642 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 1 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (475.182), Bình Dương (283.589), Đồng Nai (88.726), Long An (38.516), Tây Ninh (30.904).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.149 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.006.459 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.449 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 4.219 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.366 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 189 ca
  • Thở máy xâm lấn: 661 ca
  • ECMO: 14 ca

Từ 17h30 ngày 2.12 đến 17h30 ngày 3.12 ghi nhận 200 ca tử vong:

  • Tại TP.HCM (68) trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (1), Vĩnh Long (1), Bình Dương (1), Đắc Nông (1), Tây Ninh (2), Tiền Giang (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (22), An Giang (16), Bình Dương (14), Cần Thơ (13), Tây Ninh (10), Tiền Giang (9), Kiên Giang (8 ), Vĩnh Long (7), Long An (7), Bình Thuận (5), Đồng Tháp (4), Bạc Liêu (3), Sóc Trăng (3), Bình Phước (2), Hà Nội (2), Cà Mau (2), Ninh Thuận (1), Hà Giang (1), Hoà Bình (1), Lâm Đồng (1), Hậu Giang (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 188 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.858 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 33/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 222.341 xét nghiệm cho 444.580 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 26.736.470 mẫu cho 69.433.777 lượt người.

Trong ngày 2.12 có 710.914 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 125.857.027 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 72.632.858 liều, tiêm mũi 2 là 53.224.169 liều.

Việt Nam đã tiêm 126 triệu liều vắc xin phòng Covid-19

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết đến nay đã phân bổ tổng số 140,5 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1, trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Việt Nam đã tiêm 126 triệu liều vắc xin phòng Covid-19

Cập nhật đến 14h ngày 3.12, cả nước đã tiêm được 126 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 các loại khác nhau.

Đến ngày 2.12, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 120 triệu liều, trong đó có hơn 68 triệu liều mũi 1 và hơn 51 triệu liều mũi 2.

Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 95,2% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều vắc xin là 71,9% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 90,9% và 65,3%; miền Trung là 91,9% và 62,8%; Tây Nguyên là 92,2% và 52,6%; miền Nam là 99,1% và 82,2%.

Có 59 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm chủng bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19 cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 28 tỉnh đạt tỉ lệ trên 95%, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, TP. HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

4 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ tiêm chủng bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19 dưới 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, gồm: Yên Bái (73,3%), Thanh Hóa (77,1%), Hà Giang (77,3%) và Cao Bằng (79,5%). Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng.

Hiện đã có 50 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm chủng bao phủ đủ 2 liều vắc xin ngừa Covid-19 cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 28 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 70%. Các tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ trên 90% là Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng và Cà Mau.

Về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, hiện đã có 39 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm, gồm: Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lai Châu, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.

Tính đến ngày 2.12, tổng số liều vắc xin Covid-19 đã tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là 4.740.227 liều, trong đó có 3.856.092 liều mũi 1 và 884.135 liều mũi 2.

Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 42,2% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin là 9,7% dân số từ 12 -17 tuổi.

Liên quan đến công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, trong đó có tiêm mũi bổ sung, Bộ Y tế cho biết đã có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương đề nghị Sở Y tế tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại từ tháng 12.2021 căn cứ vào tiến độ cung ứng vắc xin.

Bộ Y tế cũng đề nghị Cục Y tế (thuộc Bộ Công an) và Cục Quân Y (thuộc Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) tham mưu Lãnh đạo Bộ của đơn vị mình quyết định đối tượng tiêm phù hợp và xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại từ tháng 12.2021 căn cứ vào tiến độ cung ứng vắc xin.

Bộ Y tế yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng.

TP.HCM: Bắt đầu chiến dịch bảo vệ nhóm người nguy cơ trong đại dịch Covid-19

gày 3.12.2021, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết thực hiện công điện số 1662 ngày 2.12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường rà soát công tác tiêm vắc xin Covid-19 và quản lý điều trị người nhiễm Covid-19, Sở Y tế TP.HCM triển khai chiến dịch tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người thuộc nhóm nguy cơ, nhằm hướng đến mục tiêu giảm mắc và giảm nguy cơ tử vong do Covid-19.

TP.HCM: Bắt đầu chiến dịch bảo vệ nhóm người nguy cơ trong đại dịch Covid-19

Chiến dịch này bao gồm nhiều hoạt động như xét nghiệm, tiêm vắc xin và điều trị người nhiễm Covid-19 một cách tốt nhất.. Sở Y tế yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn rà soát và lập danh sách các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người cần chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên). Căn cứ vào danh sách được lập, trung tâm y tế để xét nghiệm nhanh cho từng thành viên của các hộ gia đình này.

Nếu phát hiện F0 không thuộc nhóm nguy cơ thi khuyến khích F0 đi cách ly tập trung để giảm nguy cơ lây lan cho các thành viên trong gia đình, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ.Nếu phát hiện F0 thuộc nhóm nguy cơ, có bệnh nền ổn định, có đủ điều kiện cách ly tại nhà thì cấp phát thuốc kháng vi rút cho F0 và cách ly tại nhà (nếu F0 có nguyện vọng).

Đối với các thành viên trong hộ gia đình có kết quả xét nghiệm âm tính, tiến hành tiêm vắc xin Covid-19 cho những người chưa tiêm.

Đối với người thuộc nhóm nguy cơ (có bệnh nền hoặc trên 50 tuổi), có kết quả xét nghiệm âm tính, tiến hành tiêm mũi nhắc lại nếu đã tiêm đủ liều cơ bản trước đó ít nhất 6 tháng.

Trung tâm y tế chuyển danh sách các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ (kèm số điện thoại liên lạc) đến mạng lưới Thầy thuốc đồng hành để được tư vấn và theo dõi sức khỏe từ xa.

Kế hoạch sẽ được trình Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM triển khai sớm nhất. Thời gian triển khai dự kiến trong vòng 1 tháng (từ nay đến ngày 31.12). Sở Y tế TP.HCM yêu cầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) khẩn trương phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, TP.Thủ Đức có kế hoạch triển khai hiệu quả các hoạt động của chiến dịch.

Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã tiêm trên 14,6 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó mũi 1 đạt hơn 7,2 triệu liều, mũi 2 đạt 6,1 triệu liều. TP.HCM có 474.000 ca nhiễm và trên 18.000 ca tử vong. Phần lớn các ca nhiễm Covid-19 tử vong là người lớn tuổi, có bệnh nền.

Phát hiện F0 trong lớp học ở TP.HCM thì xử lý như thế nào?

Ngày 3.12.2021, Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn tạm thời phương án kiểm soát dịch Covid-19 trong trường học. Theo đó, khi phát hiện F0 trong lớp học, cách xử lý sẽ tùy theo trường hợp nhưng sẽ không đóng cửa trường.

Phát hiện F0 mắc Covid-19 trong lớp học, sẽ không phải đóng cửa cả trường

Theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM, khi phát hiện người có một trong các triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 thì phải lập tức thông báo cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Tổ an toàn Covid-19 của cơ sở giáo dục. Chuyển người nghi ngờ mắc bệnh đến phòng cách ly tạm thời, không di chuyển bằng thang máy hoặc nếu sử dụng thang máy phải khử khuẩn theo quy định.

Nếu người nghi ngờ mắc bệnh là học sinh thì cơ sở giáo dục thông báo ngay cho phụ huynh, người giám hộ để phối hợp xử lý. Sau đó, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho người có triệu chứng nghi nhiễm.

Trường hợp học sinh được phát hiện mắc Covid-19 tại cơ sở giáo dục thì nhà trường phải thực hiện các bước sau:

Bước 1: Thông báo kết quả dương tính cho trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch, tổ an toàn Covid-19 của cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh.

Tiếp tục cách ly tạm thời F0, đồng thời thông báo ngay đến trạm y tế, trung tâm y tế địa phương để để phối hợp triển khai biện pháp phòng, chống dịch.

Bước 2: Đánh giá tình trạng sức khỏe của F0. Nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, chỉ số oxy dưới 96% thì liên hệ và chuyển F0 đến bệnh viện điều trị bằng xe cấp cứu.

Nếu không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ thì tư vấn, hướng dẫn phụ huynh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương nơi cư trú tiếp nhận xử lý theo quy định.

Bước 3: Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh, khử khuẩn lớp và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp đó (tức F1), còn các lớp học khác hoạt động bình thường.

Bước 4: Theo dõi F1 đối với tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học với F0. Đối với F1 đã tiêm vắc xin đủ liều hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 thì được đi học và làm bình thường nhưng tuân thủ 5K, xét nghiệm lại vào ngày 3, 7 và tiếp tục mỗi 7 ngày bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho đến khi không còn phát hiện F0. Những F1 này cũng cần khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và xét nghiệm ngay khi có triệu chứng.

Còn những F1 chưa tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ hoặc đã tiêm nhưng có các yếu tố nguy cơ như béo phì, mắc bệnh nền thì cần cách ly tại nhà theo quy định; khai báo y tế mỗi ngày cho trường và trạm y tế địa phương, đồng thời xét nghiệm kháng nguyên vào ngày thứ 14 hoặc ngay khi có triệu chứng.

Riêng với bậc mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ nếu có 1 ca dương tính Covid-19 thì cho toàn bộ học sinh cùng lớp cách ly tại nhà theo quy định.

Nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 2 trường hợp F0 trở lên ở 2 lớp khác nhau thì tổ chức xét nghiệm cho những học sinh, giáo viên khác. Nếu hai lớp ở cùng tầng thì chỉ xét nghiệm tầng đó, nếu khác tầng thì xét nghiệm cho toàn bộ khối nhà. Còn nếu 2 ca này không có yếu tố dịch tễ liên quan thì chỉ xét nghiệm cho 2 lớp có ca F0.

Với trường hợp học sinh phát hiện nhiễm Covid-19 tại nhà, khi nhận thông báo từ gia đình, các cơ sở sẽ thực hiện từ bước 3 trở đi. Đối với người lao động (gồm: giáo viên, công nhân viên, quản lý…) khi phát hiện mắc Covid-19 tại trường thì cũng xử lý tương tự.

Tuy nhiên, Sở Y tế cũng lưu ý dựa trên hướng dẫn này, ban chỉ đạo phòng chống dịch của cơ sở giáo dục phối hợp với y tế địa phương đánh giá tình hình thực tế để quyết định thu hẹp hoặc mở rộng quy mô xét nghiệm tầm soát trong cơ sở. Tùy theo trường hợp cụ thể, ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện, TP.Thủ Đức quyết định việc ngừng hoạt động của cơ sở giáo dục.

TP.HCM gia hạn thí điểm, cho phép hàng quán ăn uống hoạt động qua đêm

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng vừa có quyết định tiếp tục thí điểm cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động đến hết ngày 31.12.2021. Đồng thời, hàng quán phải tuân thủ các điều kiện đã nêu tại điểm a, điểm c, mục 1 Công văn số 3818 ngày 16.11 của UBND TP.HCM.

TP.HCM gia hạn thí điểm, cho phép hàng quán ăn uống hoạt động qua đêm

Các cơ sở phải đáp ứng quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

Hàng quán được hoạt động theo từng cấp độ dịch.

Đối với địa bàn cấp độ 1 (tương đương nguy cơ thấp) và cấp độ 2 (tương đương nguy cơ trung bình), cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động bình thường mới.

Đối với địa bàn cấp độ 3 (tương đương nguy cơ cao), cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ ăn, uống tại chỗ không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm; đồng thời không được bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn.

Riêng với địa bàn cấp độ 4 (tương đương nguy cơ rất cao), cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang đi, không phục vụ ăn, uống tại chỗ.

Quyết định mới của UBND TP.HCM không còn giới hạn thời gian hoạt động đến 22 giờ như trước đây. Điểm mới này được kỳ vọng giúp các cơ sở kinh doanh ăn uống cải thiện doanh thu.UBND TP.HCM yêu cầu tăng cường kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ đồ uống có cồn không đúng quy định; xử lý nghiêm đối với những trường hợp không chấp hành đúng quy định trong phòng, chống dịch Covid-19.

Sau thời gian thí điểm, chính quyền các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm gửi Sở Công thương TP.HCM để tổng hợp, đề xuất với thành phố.

Đây là lần gia hạn thí điểm thứ 2 của UBND TP.HCM đối với hoạt động kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ trên địa bàn TP.HCM.

Trước đó như Báo Thanh Niên đã đưa tin, từ ngày 28.10, TP.HCM cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được phép phục vụ tại chỗ, phục vụ tối đa 50% công suất, không phục vụ đồ uống có cồn; riêng quận 7 và thành phố Thủ Đức được phục vụ đồ uống có cồn. Thời gian thí điểm đến ngày 15.11.2021.

Đến ngày 16.11, TP.HCM tiếp tục gia hạn thí điểm đến hết ngày 30.11, cho phép hàng quán được hoạt động theo cấp độ dịch, đóng cửa trước 22 giờ.

20 trường hợp bệnh nền khi nhiễm Covid-19 dễ có nguy cơ cao

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị. Theo hướng dẫn, Bộ Y tế đã nêu rõ 20 trường hợp mắc bệnh nền khi nhiễm SARS-CoV-2 sẽ dễ có nguy cơ cao, gồm:

1. Đái tháo đường.

2. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh phổi khác.

3. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác).

4. Bệnh thận mạn tính.

5. Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu.

6. Béo phì, thừa cân.

7. Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim).

8. Bệnh lý mạch máu não.

9. Hội chứng Down.

10. HIV/AIDS.

11. Bệnh lý thần kinh, bao gồm sa sút trí tuệ.

12. Bệnh hồng cầu hình liềm.

13. Bệnh hen suyễn.

14. Tăng huyết áp.

15. Thiếu hụt miễn dịch.

16. Bệnh gan.

17. Rối loạn sử dụng chất gây nghiện.

18. Sử dụng corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.

19. Các loại bệnh hệ thống.

20. Các bệnh nền của trẻ em theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Tại Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 5155 của Bộ Y tế về điều trị Covid-19 cho trẻ em nêu rõ yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng của trẻ mắc Covid-19 như sau:

  • Trẻ đẻ non, cân nặng thấp.
  • Béo phì, thừa cân.
  • Đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hoá.
  • Các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản.
  • Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi..).
  • Bệnh thận mạn tính.
  • Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu.
  • Bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp phổi, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim, tăng huyết áp).
  • Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần).
20 trường hợp bệnh nền khi nhiễm Covid-19 dễ có nguy cơ cao

Ngoài ra, các đối tượng trẻ có các yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng khi mắc Covid-19 gồm:

  • Trẻ mắc bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác.
  • Các bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải.
  • Bệnh gan - đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.
  • Các bệnh hệ thống.

Cũng theo hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị, những người nhiễm SARS-CoV-2 thuộc nhóm nguy cơ thấp khi đáp ứng điều kiện sau:

  • Tuổi từ ≥ 3 tháng đến ≤ 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền.
  • Đã tiêm đủ mũi vắc xin Covid-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, SpO2 từ 97% trở lên.

Theo đó, nhóm này sẽ được chăm sóc tại nhà riêng (đủ điều kiện theo quy định). Trạm y tế, nhân viên y tế, tình nguyện viên theo dõi, quản lý người nhiễm, phát hiện sớm dấu hiệu chuyển tầng cao hơn.

Bên cạnh đó, nhân viên y tế cần hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng, vận động, theo dõi sức khỏe liên tục, đánh giá nguy cơ. Đồng thời, người dân được cung cấp gói chăm sóc tại nhà (gồm: thuốc kháng virus, vitamin, nhu yếu phẩm…).

Trước đó, theo Hướng dẫn cũ (Quyết định 3646 ngày 31.7.2021), F0 có nguy cơ thấp sẽ chuyển đến cơ sở thuộc "Tầng 1 của tháp điều trị", các cơ sở cách ly người nhiễm F0 tập trung, cơ sở thu dung điều trị Covid-19 ban đầu hoặc chỉ định điều trị ngoại trú tại nơi cư trú được nhân viên y tế, chính quyền địa phương kiểm tra.

Bộ Y tế cho biết việc đánh giá nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 để phân loại, xử trí, cách ly và điều trị kịp thời, đồng thời bố trí người nhiễm SARS-CoV-2 vào các cơ sở phù hợp nhằm bảo đảm an toàn, hợp lý, hiệu quả, hướng tới sự hài lòng của người nhiễm SARS-CoV-2, tối ưu hóa nguồn lực của ngành y tế và xã hội.

Kháng thể đơn dòng của GSK có hiệu quả chống biến thể Omicron

Hãng dược Anh GlaxoSmithkline (GSK) hôm 2.12 cho biết liệu pháp Covid-19 kháng thể đơn dòng sotrovimab mà họ đang phát triển cùng đối tác Vir của Mỹ có hiệu quả chống lại Omicron.

Kháng thể đơn dòng của GSK có hiệu quả chống lại Omicron

Kết quả các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và một nghiên cứu trên chuột đã chứng minh kháng thể đơn dòng này có thể chống lại virus được thiết kế mô phỏng biến thể Omicron.

Để xác nhận, họ sẽ thử nghiệm trên virus giả bao gồm tất cả các đột biến của Omicron. Kết quả dự kiến sẽ có vào cuối năm nay, GSK trong tuyên bố cho biết.

Trong một diễn biến khác, giới chức Anh hôm 2.12 đã phê duyệt sotrovimab cho bệnh nhân Covid-19 từ nhẹ đến trung bình và người có nguy cơ cao bị biến chứng thành bệnh nặng.

Cơ quan quản lý dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Anh (MHRA) khuyến cáo sử dụng thuốc càng sớm càng tốt và trong vòng 5 ngày kể từ khi bắt đầu đầu biểu hiện triệu chứng.

Sotrovimab được bào chế dựa trên các kháng thể đơn dòng được tạo ra trong phòng thí nghiệm, thay thế cho kháng thể tự nhiên mà cơ thể tạo ra để chống lại virus.

Các công ty như Eli Lilly, Regeneron và AstraZeneca cũng đang có những sản phẩm tương tự.

Vào đầu tuần này, công ty Regeneron cho biết các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và mô hình máy tính cho thấy các loại thuốc kháng thể Covid-19 bao gồm cả sản phẩm của họ có thể sẽ giảm hiệu quả trước biến thể Omicron.

Tuy nhiên, giám đốc điều hành của hãng Vir lại cho rằng thuốc điều trị do họ được đặc biệt phát triển riêng để chống lại loại virus đột biến như Omicron.

Chuyên gia nói thông tin quan trọng về chủng Omicron sẽ có trong vài ngày tới

Tổ chức Y tế Thế giới dự kiến sẽ có thêm thông tin về khả năng lây truyền của biến thể Covid-19 mới Omicron trong vài ngày tới, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19, Maria van Kerkhove, hôm 1.12 cho hay.

Thông tin quan trọng về biến thể Omicron sẽ xuất hiện trong vài ngày tới

Bà Maria van Kerkhove cho biết: "Chúng ta vẫn ở trong những ngày đầu tìm hiểu về biến thể này. Có thể là chúng ta chưa có tất cả thông tin về lây truyền. Có một số gợi ý, nhưng tôi nhắc là là vẫn còn đang tìm hiểu. Chúng tôi dự kiến sẽ có thêm thông tin về sự lây truyền của biến thể Omicron trong vòng vài ngày tới, chứ không phải vài tuần".

Như vậy WHO đã rút ngắn thời gian đánh giá dữ liệu về biến thể Omicron. Khi xác định đây là "biến thể gây lo ngại" vào tuần trước, WHO đã dự báo phải mất vài tuần cho công việc này.

Hai câu hỏi quan trọng cần lời đáp lúc này là Omicron có lây truyền mạnh hơn không, và có vượt qua được vắc xin hay không.

Các nhà sản xuất vắc xin cho rằng sẽ cần khoảng 2 tuần để đánh giá hiệu quả của tiêm chủng đối với biến thể Omicron.

Chuyên gia Van Kerkhove nói một khả năng có thể xảy ra là Omicron có thể lây truyền nhanh hơn chủng trội Delta hiện tại. Tuy nhiên bà nói hiện chưa rõ liệu Omicron có làm tăng số ca bệnh nặng không.

Bà Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học WHO: "Chúng ta biết rằng người trên 45 tuổi, có bệnh nền, thì có nguy cơ cao nhất về mắc bệnh nặng sau khi bị nhiễm virus, dù là chủng Omicron hay Delta hay biến thể khác. Chúng tôi vẫn cần tìm hiểm xem vắc xin có giảm độ bảo vệ không, nhưng chúng tôi tin rằng vắc xin sẽ vẫn bảo vệ chống được bệnh nặng như với các chủng biến thể khác".

Trong khi đó, bà Kate Bingham, người từng phụ trách nhóm chuyên trách vắc xin Covid-19 của Anh, cho biết các nhà khoa học sẽ biết hiệu quả của vắc xin trong việc chống lại biến thể Omicron trong vòng một tuần tới. Bà Bingham cho biết Anh hiện có khả năng thử nghiệm nhanh chóng các loại vắc xin hiện có chống lại các biến thể mới.

"Đó không phải là điều bạn có thể làm một sớm một chiều, nhưng chúng tôi sẽ nhận được dữ liệu, tôi nghĩ trong vòng một tuần là có thể biết được liệu vắc xin có hiệu quả hay không", bà Bingham nói.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 3.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.