Bên trong ‘lò’ khủng bố ở Indonesia

19/01/2016 17:31 GMT+7

Một thế hệ các phần tử cực đoan mới chịu ảnh hưởng của IS đã "ra lò" ở Solo. Chỉ khác là các học viên thời nay được gửi đi huấn luyện ở Syria, Iraq thay vì Afghanistan như thời của al-Qaeda.

Một thế hệ các phần tử cực đoan mới chịu ảnh hưởng của IS đã "ra lò" ở Solo. Chỉ khác là các học viên thời nay được gửi đi huấn luyện ở Syria, Iraq thay vì Afghanistan như thời của al-Qaeda.

Vụ khủng bố vừa qua ở Jakarta do bàn tay IS "đạo diễn" -  Ảnh: ReutersVụ khủng bố vừa qua ở Jakarta do bàn tay IS "đạo diễn" - Ảnh: Reuters
IS "sản xuất tại Indonesia"
Solo là thành phố nằm ở tỉnh Trung Java, từ lâu đã là địa chỉ quen thuộc của những phần tử Hồi giáo cực đoan tại Indonesia. Và suốt mấy chục năm qua, Solo khét tiếng là nơi đào tạo và cung cấp người cho hàng loạt vụ khủng bố nhắm vào người phương Tây, trong đó bao gồm vụ khủng bố Bali hồi năm 2002 làm 202 nạn nhân thiệt mạng. Gần đây nhất, Solo, thành phố còn được gọi là Surakarta, cũng liên quan đến vụ khủng bố ngày 14.1 vừa qua tại Jakarta.
Báo Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ cảnh sát Solo cho hay Bahrun Naim, một thành viên IS tại Syria, đã chuyển tiền cho những kẻ tấn công thực hiện vụ khủng bố làm 7 người thiệt mạng vừa qua. Không chỉ tài trợ, Naim cũng chính là người chỉ đạo cuộc khủng bố, theo cảnh sát Indonesia. Naim từng học ở trường SMA Al Islam 1, một trường Hồi giáo tư ở Solo. Người này hay dự lễ tại một đền thờ nằm trong khuôn viên trường, nơi tụ tập thường xuyên của nhiều tín đồ Hồi giáo cực đoan, trong đó gồm cả những người từng “du học” ở Afghanistan. Thời đó, họ là những người hùng trong mắt Naim.
Sau này, Naim theo học ngành công nghệ thông tin tại một trường cao đẳng ở Solo rồi làm việc tại một quán cà phê internet. Tổ chức Hồi giáo cực đoan đầu tiên mà Naim tham gia do giáo sĩ Abu Bakar Bashir lập nên. Đó cũng là một cái tên rất quen thuộc ở Solo, bởi ông này thường xuyên có mặt ở ngôi đền thờ Hồi giáo bên trong trường SMA Al Islam 1. Giáo sĩ Bashir sau đó đã lãnh án tù 15 năm vì tội khủng bố.
Riêng Naim đến năm 2011 cũng bị bỏ tù 2 năm vì tàng trữ đạn dược trong nhà. Đến năm 2015, Naim quyết định sang Syria, đưa theo cả người vợ thứ 3, trở thành một trong 300 người Indonesia đã sang Iraq và Syria theo như con số mà cảnh sát nước này đưa ra.
Việc gia nhập IS đã đưa “danh tiếng” Naim lên cao, là sự khởi đầu cho một vị thế mới trong hàng ngũ khủng bố mà Naim muốn nhắm tới. Naim muốn trở thành thủ lĩnh IS chi nhánh Solo.
Hãng truyền thông CNN dẫn lời cảnh sát trưởng Jakarta, ông Tito Karnavian phát biểu: “Tham vọng của hắn ta là liên kết tất cả những phần tử ủng hộ IS ở Đông Nam Á: từ Indonesia đến Malaysia và Phillipines”. Và việc Naim từ Syria thò tay sang tận Indonesia để hỗ trợ vụ khủng bố chấn động Jakarta vừa qua dường như đang lót đường cho y ta lên cái "chức" thủ lĩnh đó.
Bahrun Naim - người được cho đứng sau vụ khủng bố Jakarta - từng ra tòa tại Solo hồi năm 2011 - Ảnh: Reuters

Naim hay giáo sĩ Bashir chẳng phải là những cái tên đơn lẻ trong hàng ngũ Hồi giáo cực đoan ở Solo. Trong suốt thập niên qua, cảnh sát Indonesia đã tiêu diệt hoặc bắt giữ hàng loạt kẻ khủng bố ở Solo. Gần đây, Arif Hidayatullah - bạn cùng trường của Naim thuở nào cũng đã bị tóm mới hồi tháng 12 vừa qua sau khi cảnh sát nghe ngóng được liên lạc giữa y và Naim về đề tài chuyển tiền.

Tại sao là Solo?
Hầu hết những người Indonesia đều là tín đồ Hồi giáo ôn hòa. Nhưng ở quốc gia có đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới này cũng tồn tại những cơ sở tôn giáo theo đường lối khắc nghiệt, cực đoan, không khoan nhượng. Solo là một trong những “cái nôi” của những cơ sở này.
Nằm cách thủ đô chừng Jakarta gần 600 km, Solo từng là một trung tâm dệt may của Indonesia. Nhưng sự cạnh tranh khốc liệt của ngành dệt may trên toàn cầu đã khiến cư dân Solo thất nghiệp tràn lan. Bộ trưởng Giáo dục Indonesia, ông Anies Baswedan cho rằng tình trạng này đã góp phần đáng kể khiến nhiều thanh niên ở Solo bị lôi kéo vào các tổ chức cực đoan.
Một số người khác thì cho rằng cần phải có một hành lang pháp lý mạnh hơn rất nhiều mới có thể xóa bỏ cả một hệ thống dung dưỡng cho khủng bố. Mới hồi tuần trước, sau vụ khủng bố Jakarta, cảnh sát trưởng quốc gia Indonesia than phiền rằng cảnh sát chỉ có thể bắt các nghi can khủng bố khi đã phạm tội, chẳng hạn như mua chất nổ. Các án phạt cuối cùng cũng thường rất nhẹ, như trong trường hợp với kẻ chỉ đạo vụ khủng bố Jakarta vừa qua: Naim chỉ ngồi tù 2 năm chóng vánh rồi quay trở về với tổ chức cực đoan của mình, nguy hiểm hơn, lòng thù hận lớn hơn và quyết tâm cao hơn.
Khi cờ đổi màu
Tổng thống Indonesia, Joko Widodo từng là thị trưởng Solo - Ảnh: Reuters

Tổng thống Indonesia hiện nay, ông Joko Widodo từng là thị trưởng Solo từ năm 2005 đến 2012. Thế nên ông hiểu rõ những vấn đề ở Solo hơn ai hết. Nhưng thành quả lớn nhất của ông cũng chỉ dừng lại ở việc nỗ lực thúc đẩy đối thoại hòa giải giữa cộng đồng Hồi giáo khá “cứng” ờ Solo với người Công giáo thiểu số.

Ông đã không thể nào dẹp được những tổ chức Hồi giáo cực đoan vẫn cứ đang lớn mạnh ở vùng đất này. Hệ thống trường Hồi giáo tư là một trong những nơi cần phải “soi” rất kỹ. Nhưng ông Widodo biết rõ một khi đã dính tới tôn giáo, nhất là mang màu sắc cực đoan, những cú đập dội ngược lắm lúc cực kỳ nguy hiểm. Nhưng một khi cờ của những tổ chức cực đoan này đổi màu, chuyển sang màu đen của IS, chính quyền Indonesia có khi phải tính toán đến một chiến lược mới.
"Tại sao hầu hết các cuộc tấn công khủng bố đều có dính líu tới Solo? Vì nguồn lực là ở đây", theo Ahmad Luthfi - cảnh sát trưởng Solo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.