Bị hổ cắn đứt lìa tay: Chỉ mong sớm về, không muốn khiếu kiện

11/09/2015 16:15 GMT+7

(TNO) Phía gia đình nữ du khách bị hổ cắn đứt lìa cánh tay cho biết họ sẽ không khiếu kiện và chấp nhận mức bồi thường như thỏa thuận.

(TNO) Phía gia đình nữ du khách bị hổ cắn đứt lìa cánh tay cho biết họ sẽ không khiếu kiện và chấp nhận mức bồi thường như thỏa thuận.

Du khách bị hổ cắn đứt lìa cánh tay: “Tôi chỉ mong vợ được xuất viện, không khiếu kiện gì cả”Chị Yến đang nằm điều trị tại bệnh viện - Ảnh: Phạm Đức
Sáng 11.9, anh Hồ Đăng Khánh (trú huyện Tân Kỳ, Nghệ An), chồng của chị Trần Thị Yến - người bị hổ cắn đứt lìa cánh tay khi tham quan Khu du lịch sinh thái Trại Bò (Diễn Châu, Nghệ An), cho biết: “Tôi chỉ mong vợ nhanh chóng khỏe lại, được xuất viện về nhà. Chúng tôi sẽ không khiếu kiện vì hai bên đã đồng ý với mức bồi thường”. 
Anh Khánh cũng cho biết, chị Yến là khách đến tham quan, không phải là nhân viên của Công ty TNHH sinh thái Mường Thanh như báo cáo công ty này trước đó.
Du khách bị hổ cắn đứt lìa cánh tay: “Tôi chỉ mong vợ được xuất viện, không khiếu kiện gì cả” 2Một cá thể hổ trắng nuôi nhốt tại Khu du lịch sinh thái Trại Bò - Ảnh: Phạm Đức
Trao đổi với PV Thanh Niên Online chiều 11.9, luật sư (LS) Nguyễn Thạch Thảo (Giám đốc Văn phòng LS Thạch Thảo) cho rằng: Nếu các bên không đạt được sự thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì chị Yến có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định cụ thể ở điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2005
LS Thảo cũng cho rằng "có thể xử lý hình sự" vụ việc này nếu xét đến khía cạnh Khu du lịch sinh thái Trại Bò có kinh doanh hợp pháp hay không? 

LS Hoàng Như Vĩnh (Phó chủ nhiệm Đoàn LS Đồng Nai), cho biết đối với những trường hợp súc vật gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản của người khác thì căn cứ vào quy định của Điều 625 Bộ luật Dân sự 2005 để làm cơ sở xác định ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Về nguyên tắc, chủ sở hữu của súc vật đó phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị hại trừ trường hợp thiệt hại đó do người bị hại có lỗi hoàn toàn.

LS Trương Thị Hà (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích thêm, nếu nguyên nhân dẫn đến việc súc vật gây thiệt hại cho người khác là do lỗi của một người thứ 3 nào đó tác động vào thì người thứ 3 đó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Nếu người thứ 3 và chủ sở hữu cùng có lỗi thì họ phải liên đới bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. 

Như Thanh Niên Online đã đưa tin, sáng 23.8, chị Yến cùng gia đình nhà chồng đến tham quan tại Khu du lịch sinh thái Trại Bò (xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu).
Do không có người hướng dẫn nên chị Yến đi lạc vào khu vực cấm, chỉ dành riêng cho nhân viên chăm sóc hổ và bị một con hổ trắng lao đến vồ cánh tay trái của chị, ngoạm vào sát nách.
Nạn nhân ngay sau đó được nhân viên của khu du lịch đưa đi cấp cứu nhưng do cánh tay đã bị hổ vồ nát nên không thể nối lại được.
Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành, với sự tham gia của đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hạt kiểm lâm và Công an huyện Diễn Châu, đã tìm hiểu và ra kết luận về vụ việc xảy ra tại Khu du lịch sinh thái Trại Bò, thuộc công ty TNHH Sinh thái Mường Thanh.
Kết luận của đoàn liên ngành ghi rõ: “Chị Trần Thị Yến gặp nạn tại khu vực cho hổ ăn và nghỉ ngơi, là khu vực cấm khách tham quan du lịch. Tại đây có bờ tường cao 1,75 m, phía trên là khung sắt cao 4 m và có hàng rào sắt B40 bao quanh. Chị Yến là khách đến tham quan vào khu vực trên và trèo lên bờ tường của chuồng để chụp ảnh là sai. Lỗi hoàn toàn do chị Yến”.
  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.