Rồng trong văn hóa Việt

Biến đổi hình tượng rồng qua các thời kỳ

10/02/2024 07:00 GMT+7

Ở nước ta, rồng được xem là tượng trưng cho sự cao quý, linh thiêng, là con vật đứng đầu trong nhóm tứ linh (long, lân, quy, phượng). Vì vậy, rồng hay được trang trí ở những nơi trang trọng, biểu thị điềm lành và sự phồn thịnh.

Khát vọng mưa thuận gió hòa

Có lẽ khát vọng này đã xuất hiện vào thời kỳ trồng lúa nước của cư dân Việt cổ, chả thế mà trên trống đồng của nền văn hóa Đông Sơn đã khắc họa những ngôi nhà được các nhà nghiên cứu cho là nhà cầu mùa. Đến thời kỳ quân chủ, rồng ngoài tượng trưng cho quyền lực của nhà vua còn được xem là con vật linh thiêng và mang lại mưa thuận gió hòa. Chính vì vậy, rồng đã được thể hiện trong trang trí với nhiều đề tài, trong đó có một đề tài phải nói là vô cùng phổ biến, được thể hiện từ trong dân gian đến cung đình xã hội xưa. Đó là đồ án "long ngư hí thủy", tức rồng và cá chơi đùa với nước. Thay lời muốn nói được ẩn trong đồ án này là khát vọng về mưa thuận gió hòa, để mùa màng tươi tốt, gia súc sinh sôi nảy nở, mọi người ấm no hạnh phúc. Như rồng ở trên phun nước xuống tượng trưng cho mưa, cá ở dưới đón nhận thỏa mãn vẫy vùng là tượng trưng cho muôn loài. Đồ án này được phát hiện trên rất nhiều chất liệu và loại hình, như trên tường, đá, bình phong, đồ gốm sứ, đồ đồng, tranh gỗ. Đặc biệt trên mũ của vua và hoàng tử triều Nguyễn.

Biến đổi hình tượng rồng qua các thời kỳ- Ảnh 1.

Bức bình phong bằng đá hình cuốn thư thời Duy Tân, chạm khắc đồ án “long ngư hí thủy”, ở nhà thờ Ngọc Hồ, Thừa Thiên-Huế

Nguyễn Hữu Thông

Biến đổi hình tượng rồng qua các thời kỳ- Ảnh 2.

Tranh vẽ trên gỗ “long ngư hí thủy”, tại đình ở H.Thường Tín, Hà Nội

Nguyễn Phong

Tục xăm hình rồng

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, thời vua Trần Anh Tông (1293 - 1314), Kỷ Hợi (1290), Thượng hoàng có lần ngự cung Trùng Quang, vua đến chầu, quốc công Quốc Tuấn đi theo. Thượng hoàng nói: Nhà ta vốn là người hạ lưu (thủy tổ người Hiền Khánh), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ rõ là không quên gốc. Bấy giờ thợ xăm đã đợi mệnh ở ngoài cửa cung. Vua rình lúc Thượng hoàng quay nhìn chỗ khác, về ngay cung Trùng Hoa. Một lúc lâu, Thượng hoàng hỏi Quan gia đâu rồi, các quan tả hữu thưa là đã về cung Trùng Hoa. Thượng hoàng bảo: Quan gia đã trốn rồi chăng, thì xăm cho Huệ Vũ Quốc Chẩn vậy… Lại hồi quốc sơ, quân sĩ đều xăm hình rồng ở bụng, ở lưng và hai bắp đùi, gọi là "thái long" (rồng hoa). Vì khách buôn người Tống thấy dân Việt ta xăm hình rồng trên người, cho rằng thuồng luồng biển sợ hình rồng, lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng luồng không dám phạm tới, cho nên gọi là "thái long" (Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr 77 - 78. Nhà xuất bản Khoa học xã hội 1993). Điều đặc biệt thú vị là tục xăm hình rồng này còn cho thấy trên một chiếc thạp gốm thời Trần thể hiện rồng được xăm trên đùi các chiến binh. Thạp đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Rồng trong lịch sử

Theo sử sách, rồng được nói đến sớm nhất là vào thời Triệu Việt Vương (tức Triệu Quang Phục, 548 - 570) khởi nghĩa chống lại sự đô hộ của phương Bắc, được Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: "Kỷ Tỵ, năm thứ 2 (549). Vua ở trong đầm thấy quân Lương không lui, mới đốt hương cầu đảo, khẩn thiết kính cáo với trời đất, thế rồi có điềm lành được mũ đâu mâu móng rồng dùng để đánh giặc. Từ đó quân thanh lừng lẫy, đến đâu không ai địch nổi (tục truyền rằng thần nhân trong đầm là Chử Đồng Tử bấy giờ cưỡi rồng vàng từ trên trời xuống, rút móng rồng trao cho vua, bảo gài lên mũ đâu mâu mà đánh giặc)" (tập 1, tr 182, 183).

Tiếp đến là thời kỳ độc lập tự chủ của nước ta. Điển hình là kinh đô với cái tên Thăng Long (rồng bay) của nhà Lý đã nói lên tất cả, và là tiền đề cho các triều đại về sau. Đồng thời cũng từ đây cho đến hết thời kỳ quân chủ, rồng luôn là tượng trưng cho quyền lực của vua và hình ảnh của nó được sử dụng với nhiều ý nghĩa, mục đích khác nhau.

Rồng trong mỹ thuật cổ

Về hiện vật, người ta đã phát hiện một đầu rồng thời Đinh - Lê (thế kỷ 10) tại Hoa Lư, hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Ninh Bình.

Đến thời Lý, đây là thời kỳ đỉnh cao của Phật giáo và mỹ thuật cổ thời kỳ này cho thấy rồng biểu trưng cho quyền lực của nhà vua, được thể hiện rất phổ biến trên các bệ của tượng Phật, mang đậm hàm ý đề cao Phật giáo. Ngoài ra, rồng còn được thể hiện chầu mặt trời, chầu hoa cúc, bởi mặt trời và hoa cúc là biểu tượng cho vương quyền. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Du Chi, rồng ở thời kỳ này được thể hiện với một sự nhất quán về kiểu dáng. Cho dù có những di tích cách nhau hàng trăm cây số, và thời gian cách nhau 60, 70 năm thì hình rồng vẫn không có gì thay đổi về cơ bản. Điều đó chứng tỏ triều đình nhà Lý có những quy chế nghiêm ngặt, bắt buộc người thợ chạm phải tuân thủ triệt để. Điều này khác hẳn những đời sau. Rồng thời Lý về cơ bản có thân hình dài của một con rắn, luôn được bố cục theo lối nhìn nghiêng, thân cuộn khúc vòng lên vòng xuống theo kiểu lượn sóng hình sin kéo dài từ đầu đến đuôi. Điều đáng chú ý là các khúc lượn sóng ở đây được uốn phình to mà bước sóng lại hẹp nên tạo ra những hình thắt eo mà các nhà nghiên cứu quen gọi là hình "thắt túi" và cứ thế kéo dài ra mãi tận đuôi. Đây là một đặc trưng của hình dáng hoa văn rồng thời Lý.

Biến đổi hình tượng rồng qua các thời kỳ- Ảnh 3.

Hình rồng được xăm trên đùicác chiến binh, trên một chiếc thạp gốm thời Trần ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Đỗ Xuân Giang

Biến đổi hình tượng rồng qua các thời kỳ- Ảnh 4.

Tranh vẽ trên giấy “long ngư hí thủy”

L’ Art à Hue’

Nếu như ở thời Lý, do những quy chế chặt chẽ của nhà nước nên hình rồng luôn được thể hiện theo một hình mẫu cố định bắt buộc, thì ngược lại sang thời Trần sự ràng buộc đó đã lỏng lẻo hơn. Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Du Chi, hình rồng thời kỳ này được các nghệ nhân miêu tả, phác họa dưới nhiều hình thức, kiểu dạng và thành phần khác nhau, phong phú và phức tạp hơn, nhất là hình rồng ở các chùa làng. Nhìn chung, về cơ bản, các thành phần của rồng thời Trần vẫn là những thứ chúng ta thấy ở rồng thời Lý. Trước hết là mào lửa kéo dài ở đầu mũi rồng - một thành phần không hề có ở rồng Trung Quốc cùng thời. Vào thời Trần, mào lửa này vẫn tiếp tục tồn tại nhưng hông dài và xoắn lại như rồng thời Lý, trong nhiều đồ án nó chỉ nhú lên một chút mà thôi. Về răng nanh, bờm, râu, vây, móng chân…, đến thời Trần vẫn còn nhưng không được đầy đủ đúng mẫu như thời Lý. Chúng không còn uốn khúc bay lượn mềm mại kiểu hình sin, răng nanh và chân cũng ngắn hơn rồng thời Lý.

Đến thời Lê, đây là thời kỳ Nho giáo chiếm lĩnh vị trí độc tôn trên vũ đài chính trị và tư tưởng của nước ta trong một thời gian dài. Rồng thời kỳ này đã xuất hiện loại 5 móng tượng trưng cho vua và 3 móng tượng trưng cho quan lại, điển hình là trên bia Vĩnh Lăng (Lê Thái Tổ). Ở đây đã cho thấy rất phù hợp với hệ tư tưởng Nho giáo lấy thiên tử làm đầu thời bấy giờ. Hình rồng vẫn là hoa văn chủ đạo trong các đồ án trang trí. Vẫn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Du Chi, rồng thời kỳ này có bố cục và cấu trúc vừa tiếp thu truyền thống lại vừa có những biến chuyển, thay đổi lớn lao. Vì vậy có thể chia hoa văn hình rồng thời Lê thành hai loại đồ án: Loại vẫn tiếp tục phát huy hình rồng của thời Lý - Trần và loại tiếp thu hình mẫu rồng của văn hóa Trung Hoa.

Loại thứ nhất hiện còn thấy trên bia lăng Lê Thái Tổ ở Lam Kinh (Thanh Hóa, 1433), trên các đồ án trang trí bệ đá hoa sen hình hộp của chùa Khám Lạng (Bắc Giang, 1432), trên bia chùa Kim Liên (Hà Nội, 1455), trên bệ gỗ lục giác chùa Thày (Hà Tây, 1505). Những thành phần đáng chú ý nhất của con rồng thời Lý - Trần đến nay vẫn còn được bảo lưu và phát huy chính là mào lửa của bộ phận đầu rồng. Mào lửa rồng trên các đồ án này vẫn được tiếp tục kéo dài ra phía trước và vẫn giữ hình dáng uốn cong hình ô mê ga và trên nó là cặp sừng ngắn. Bờm luôn luôn mở rộng với hai hàm răng nhọn và lưỡi thè ra khá dài như đang cố đớp lấy viên ngọc lơ lửng phía trước. Chân rồng ngắn, nhiều đao lửa bay lên từ các khuỷu chân. Tuy nhiên, cũng như thời Trần, chúng ta còn gặp nhiều bố cục tự do, thoải mái không theo quy định nào cả. Đó là hình rồng có bố cục vừa cuộn khúc, vừa lưng võng kiểu yên ngựa - một đặc điểm không lẫn với bất cứ thời kỳ nào.

Biến đổi hình tượng rồng qua các thời kỳ- Ảnh 5.

“Long ngư hí thủy” trên mũ Đại triều của vua thời Nguyễn

Vũ Kim Lộc

Biến đổi hình tượng rồng qua các thời kỳ- Ảnh 6.

“Long ngư hí thủy” trên mũ của hoàng tử thời Nguyễn

Vũ Kim Lộc

Loại đồ án thứ hai: Đáng chú ý trước hết là mào lửa của rồng không còn, thay vào đó là một mũi cao bè tròn to. Hai cánh nở hai bên như kiểu mũi sư tử, hai viền lông mày với những đao lửa bốc cao có vẻ rất dữ tợn, phía trên là một cặp sừng hai chạc, bờm sau gáy gồm hai vạt dài hoặc bay ngược lên, mắt hơi lồi, miệng hơi vuông. Đặc biệt là xuất hiện thêm hai râu rồng dài, xuất phát từ dưới mắt lượn sóng chạy dài ra hai phía.

Đến thời Nguyễn, là thời kỳ dung hòa giữa Nho giáo và Phật giáo, Lão giáo. Sự phân biệt đẳng cấp bằng hình tượng rồng còn chặt chẽ hơn thời Lê, được quy định rất cụ thể bằng tên gọi rồng và giao long, trong đó rồng 5 móng tượng trưng cho vua, giao long là 4 hoặc 3 móng tượng trưng cho quan lại. Rồng ở thời kỳ này được tiếp thu của thời Lê trung hưng, như sừng gạc nai, mũi sư tử, đuôi xoáy, viền lông mày…

Nhìn chung, rồng có nguồn gốc và hình thành ở nước ta từ bao giờ? Đó là câu hỏi đáng quan tâm của các nhà nghiên cứu. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Du Chi: Hiện nay những phát hiện của khảo cổ học còn ít nên chưa thể trả lời câu hỏi đó được thật đầy đủ. Tuy nhiên, qua tư liệu văn hóa dân gian, chúng ta biết rằng từ xa xưa hình tượng con rồng đã có trong dân gian. Nó được coi như là vật tổ của cư dân trồng lúa nước người Việt cổ. Truyền thuyết nói chúng ta là "con rồng cháu tiên" và không phải vô cớ khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông năm 1299 đã dặn con mình khi tổ chức xăm trổ hình rồng: "… Thích hình rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc". Các nhà khảo cổ học cũng cảm thấy nguồn gốc của con rồng Việt ít ra cũng đã có từ thời sơ sử, nhất là vào giai đoạn văn minh Đông Sơn. Bằng chứng là hình ảnh hoa văn về cá sấu được cách điệu trên các đồ án trang trí của thạp đồng Đào Thịnh, qua đồng Núi Voi, rìu xéo đồng Đông Sơn, khóa thắt lưng Ninh Bình và Đông Sơn. Các nhà khoa học cho rằng đó chính là hình tượng sơ khởi, tổ tiên của con rồng Việt với tên gọi là thuồng luồng hoặc giao long. Thậm chí, có nhà nghiên cứu còn muốn chứng minh rằng kể cả con rồng của Trung Quốc cũng có nguồn gốc từ phương Nam này (Phạm Huy Thông, 1988).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.