Cao tốc lo chậm tiến độ vì cát

06/11/2023 05:00 GMT+7

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188 km, dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027, đang có nguy cơ chậm tiến độ khi thiếu cát san lấp trầm trọng.

Máy móc, thiết bị nằm chờ cát

Dự án (DA) cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng mức đầu tư gần 44.700 tỉ đồng, được khởi công ngày 17.6, gồm 4 DA thành phần đi qua 4 địa phương An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.

Cao tốc lo chậm tiến độ vì cát - Ảnh 1.

Gói thầu 42 đầu tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại TP.Châu Đốc, An Giang chờ nguồn cát san lấp

Riêng DA thành phần 1 qua An Giang được Chính phủ giao cho tỉnh làm chủ đầu tư dài 57 km, với tổng mức đầu tư 13.526 tỉ đồng, chia làm 4 gói thầu xây lắp đang triển khai đào đắp nền đường, thi công móng cọc cầu, cống… Hiện DA đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang, chủ đầu tư DA thành phần 1, cho biết: "Đã có 126 máy móc, thiết bị và gần 300 nhân sự được đưa đến công trường thi công nhưng DA đang có nguy cơ "vỡ trận", chậm tiến độ vì thiếu cát". Theo ông Du, toàn DA 1 qua tỉnh An Giang cần 9,3 triệu m3 cát, trong đó năm 2023 cần 1,7 triệu m3, năm 2024 cần 6 triệu m3 và năm 2025 cần 1,6 triệu m3. "Theo tính toán, từ nay đến cuối năm 2023, mỗi ngày phải cung cấp khoảng 25.000 m3, nhưng hiện các nhà thầu nhận lượng cát nhiều nhất là 4.700 m3/ngày, không đủ đáp ứng nhu cầu thi công", ông Du nói.

Có mặt tại gói thầu số 42, tại điểm đầu DA cao tốc tại TP.Châu Đốc (thuộc DA thành phần 1 qua An Giang) do Tổng công ty xây dựng Trường Sơn thi công, có thể thấy hàng loạt máy móc, thiết bị được tập kết đang phải chờ cát để vận hành.

Cao tốc lo chậm tiến độ vì cát - Ảnh 2.

Thiếu cát, dự án thành phần 1 của tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại An Giang có nguy cơ chậm tiến độ

Trần Ngọc

Ông Lê Xuân Đại, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, nói: "Mỗi ngày, đơn vị cần 10.000 m3 cát để thi công, than khổ mãi cũng chỉ được cấp khoảng 1.500 m3 cát/ngày. Cát về quá ít, không đáp ứng nhu cầu thi công. Thậm chí công trường đã lắp 8 đường ống bơm cát nhưng cứ chờ cát mãi".

Cũng theo ông Đại, do DA thi công trên vùng đất yếu, sẽ phải gia tải từ 12 - 15 tháng để đảm bảo chất lượng công trình. Trong thời gian gia tải, nhà thầu phải tạm ngưng tất cả các hạng mục còn lại. Vì thế từ nay đến cuối năm, DA không được cấp đủ 1,7 triệu m3 cát cũng có nghĩa là nhiều hạng mục tiếp theo sẽ bị gián đoạn theo.

Loay hoay tìm nguồn cát

Để thi công 57 km cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn tỉnh, trước đó An Giang dự kiến bố trí 6 mỏ cát đã cấp cho 5 doanh nghiệp với trữ lượng gần 3,2 triệu m3 và hơn 4,6 triệu m3 cát từ các DA nạo vét chỉnh trị dòng chảy phục vụ công trình. Ngoài ra, còn thăm dò 2 khu vực thuộc DA chỉnh trị dòng chảy hạ lưu cù lao Mỹ Hòa Hưng (TP.Long Xuyên) và khu vực mỏ cát trên sông Tiền (H.Chợ Mới) để cấp cho DA thêm 1,5 triệu m3 cát.

Cao tốc lo chậm tiến độ vì cát - Ảnh 3.

Mỏ cát do Công ty CP đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 khai thác đang bị Bộ Công an điều tra, tạm ngưng khai thác

Trần Ngọc

Tuy nhiên, đến nay có 3/6 mỏ cát cấp cho DA cao tốc đã buộc phải thu hồi giấy phép khai thác sau khi Thanh tra Chính phủ kết luận việc cấp phép chưa đúng quy định. Đặc biệt, mỏ cát do Công ty CP đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 khai thác, dự kiến cung cấp hơn 1,22 triệu m3 cho cao tốc bị phát hiện gian lận, đang bị Bộ Công an điều tra nên đã tạm ngưng khai thác. Những diễn biến trên đã khiến nguồn cát dự kiến cung cấp cho DA cao tốc qua địa bàn tỉnh An Giang rơi vào bị động.

Hiện tại, để tháo gỡ khó khăn về nguồn cát cho DA thành phần 1, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh An Giang đã hoàn thiện thủ tục yêu cầu 4 đơn vị được giao quyền khai thác 4 mỏ cát cung cấp 3,7 triệu m3 cát cho công trình. Các doanh nghiệp được giao gồm Công ty Tân Hồng (500.000 m3), Công ty Thủ Tuyền (500.000 m3), Liên danh Công ty DNU - Công ty Vạn Hưng Tùng (1,5 triệu m3) và Liên danh Công ty Châu Phát - Công ty Tân Hàn Châu (1,2 triệu m3)...

"Trước mắt, để đảm bảo 1,7 triệu m3 cát của năm 2023, chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các đơn vị đã được giao cung cấp cát cho DA tăng công suất khai thác để cấp cát cho công trình", ông Du nói.

Các gói thầu đã khởi công đều phải chờ cát

Với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, nhu cầu vật liệu cát đắp nền cho DA cần 31,3 triệu m3. Khó khăn nhất hiện nay là các chủ đầu tư vẫn chưa có phương án cụ thể về nguồn cát thực hiện các gói thầu đã khởi công.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.