Hào khí miền Đông: Đồng Nai, tản mạn một chiều mưa...

17/09/2023 09:00 GMT+7

Cơn mưa ào ạt trút xuống, chẳng đợi chờ ai. Cái nắng, cái mưa của đất Đồng Nai cũng lắm lúc như cô gái đương xuân đỏng đảnh, bất chợt và vội vã.

Chúng tôi bật đèn tín hiệu rồi tấp vào dưới mái hiên của căn nhà đã khóa cửa ven quốc lộ 51. Hơn chục người, già trẻ lớn bé cùng vài chiếc xe máy chia nhau khoảng không gian ít ỏi. Trú mưa.

Giữa những tiếng nói lao xao lọt thỏm trong tiếng mưa rơi ầm ĩ, vẫn nhận ra giọng nói của những vùng miền khác nhau. Cũng không có gì lạ. Đất Đồng Nai nói riêng và miền Đông nói chung đã trở thành nơi gặp gỡ, cưu mang, sẻ chia, nơi gầy dựng sự nghiệp của bao người con xa xứ. Đây cũng là nơi mà mỗi nếp nhà, mỗi tấc đất, mỗi khúc sông đều có những câu chuyện của riêng mình.

Hào khí miền Đông: Đồng Nai, tản mạn một chiều mưa... - Ảnh 1.

Mặt bằng dự án sân bay Long Thành

Lê Lâm

"Mưa gì mà to như bưng thùng đổ vậy trời! Biết chừng nào tạnh?!" - một chị trung niên đứng sát tôi thở dài, bất lực nhìn những luồng gió gom theo mưa hất thẳng vào người. "Nhà chị ở đâu lận?" - Cặp vợ chồng chở theo đứa bé chừng mười tuổi, bắt chuyện hỏi thăm. "Nhơn Trạch, giờ về đó còn ba chục cây", "Thế nhà này gần hơn, về Long Thành"...

Rồi những người xa lạ phút chốc đã chuyện trò rôm rả để giết thời gian, chờ mưa ngớt. Họ nói về dự án sân bay "nghe bảo lớn lắm", nói về việc học, tương lai của con cái, nói về mấy chuyện công ăn việc làm, nói về chuyện tự cổ chí kim của quê hương xứ sở.

Khi nhắc về nơi mình sinh ra, nơi mình lớn lên, nơi mình gắn bó, người mình thương yêu bỗng thấy con người ta nói bằng niềm tự hào vô tận.

Tôi chợt nhớ lần gần nhất được nghe kể về đất và người Đồng Nai đã ngót nghét 14, 15 năm. May mắn nhất của thế hệ chúng tôi là được nghe chính "pho sử sống" lúc bấy giờ - đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Bá Ước - kể chuyện.

Năm ấy ông đã gần tròn 80 tuổi, cuộc chiến cũng đã lùi xa gần 35 năm, thế mà chuyện đánh kho bom Thành Tuy Hạ, đốt kho xăng Nhà Bè hay dìm tàu địch trên sông Lòng Tàu... trong lời kể của ông như chỉ vừa mới hôm qua.

Bây giờ, dù ông đã đi xa nhưng làm sao chúng tôi có thể quên hình ảnh một cựu binh gầy gò, da nhăn nheo, tóc bạc màu sương gió, riêng đôi mắt vẫn sáng bừng niềm tự hào mỗi khi nhắc về một thời lẫy lừng của đặc công Rừng Sác. Làm sao chúng tôi quên khoảnh khắc ông nghẹn ngào, đau đáu đọc cho chúng tôi nghe bài thơ ông viết cho những đồng đội năm xưa của mình - những người con từ khắp mọi miền Tổ quốc đã ngã xuống vì vùng đất kiêu hùng này:

"Xương trắng nở hoa tận đáy sông

Mênh mông rừng Sác nhuốm màu hồng

Năm trăm hài cốt chưa tìm thấy

Rừng đước bạt ngàn ngập chiến công!".

Tự dưng tôi lại nghĩ, liệu 10 năm , 20 năm sau, nếu có dịp ngồi nói chuyện về quê hương với những người thân quen, những người xa lạ, tôi sẽ nói về điều gì. Có lẽ, tôi sẽ kể câu chuyện về con đường đến trường rợp bóng cao su của chúng tôi đã được thay bằng những công trình, những hạng mục của sân bay Long Thành - Cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam. Đó là chuyện của tương lai gần, nhưng chắc chắn là như vậy...

Hạt mưa dần nhỏ lại, mọi người xôn xao tiếp tục cuộc hành trình... nhà ai nấy về. Tôi và anh trai đỡ mẹ lên xe rồi lấy tà áo mưa của bà phủ lên vai mình. Chợt có tiếng gọi từ phía sau vọng tới:

"Nhà xa không, cầm áo mưa mặc đi khỏi ướt".

Tôi quay lại, không thấy rõ gương mặt người phụ nữ sau lớp mũ trùm kín đầu, chỉ thấy hai người, đoán chừng là đôi vợ chồng cũng đang sửa soạn ra về. Chị ấy lấy chiếc áo mưa mới toanh được xếp gọn gàng treo phía trước cổ xe đưa cho tôi. Tôi gật đầu: "Em cảm ơn, nhưng hai mẹ con dùng chung được rồi ạ!".

"Thôi lấy đi đừng có ngại. Bên đây về gần tới nhà rồi, cỡ chừng cây số nữa chứ nhiêu".

"Chị để lại dùng đi kẻo ướt, em che vầy được rồi!"...

Có chiếc áo mưa mà hai bên dùng dằng nhường qua sớt lại.

Cũng chẳng biết rõ cái nghĩa tình, hào sảng ấy bắt đầu từ khi nào. Dù xa lạ nhưng người ta vẫn sẵn sàng quan tâm, sẻ chia cho nhau niềm yêu thương giữa vòng quay tất bật của cơm áo gạo tiền. Một chiếc áo mưa dăm bảy ngàn, có thể tìm mua dễ dàng ven đường nhưng nhân nghĩa tình người thì bao nhiêu gọi là đầy vơi, lấy gì mà cân đo đong đếm?

Có lẽ, hơn 300 năm trước, khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh khai hoang mở cõi, dùng uy đức xây dựng vùng đất Gia Định - Đồng Nai cho đến hôm nay, nơi đây vẫn luôn là chốn đất lành chim đậu. Nơi mà người ta truyền tai nhau rằng xứ "gạo trắng nước trong" này hễ "ai đi đến đó thời không muốn về!". Nơi mà giữa làn gió ướt lạnh xuyên ngang những hạt mưa, vẫn thấy được tia sáng ấm áp trong ánh mắt của những người chỉ vừa mới lướt qua nhau.

Cơn mưa chiều Đồng Nai sao bỗng thấy ấm áp lạ thường... 

Hào khí miền Đông: Đồng Nai, tản mạn một chiều mưa... - Ảnh 2.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.