Hào khí miền Đông: Nhịp đập bất tử giữa biển khơi

Diên Khánh
(TP.HCM)
10/09/2023 09:00 GMT+7

Ba kéo khóa cái giỏ xách gọi là hành lý rồi nhìn tôi như ra lệnh: "Đi thôi con". Tôi đã quen với phong cách lính của ba mình. Mỗi năm, niềm vui còn lại của một cựu chiến binh như ba ở cái tuổi xế chiều là chuyến đi đặc biệt này: ra Côn Đảo, đến nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương thắp hương cho những người nằm xuống.

Tôi thuộc đến từng chi tiết hành trình của ba mình. Phần lớn hai ngày lưu lại Côn Đảo, ba chỉ lặng lẽ thắp hương cho các liệt sĩ ở nghĩa trang Hàng Dương rồi ngồi trầm ngâm một góc sân nào đó ngắm nhìn dòng người cũng đang thể hiện nghĩa cử tri ân những người đã ngã xuống.

Tôi nhớ có lần tôi hỏi mẹ tại sao ba và nhiều người khác lại hay ra Côn Đảo rồi đến nghĩa trang Hàng Dương? Mẹ chỉ cười rồi trả lời: "Chưa thắp hương ở nghĩa trang Hàng Dương thì coi như chưa đến Côn Đảo. Các bác ở đó thiêng lắm". Tôi chỉ hiểu chữ "thiêng" như lời mẹ nói theo cách hiểu thông thường. Nhưng sau nhiều lần ra hòn đảo nhỏ ngoài khơi xa này, tôi tin chắc một điều, nhiều bước chân từ khắp mọi phương trời tề tựu về đây, nơi hòn đảo lộng gió này, họ đều đến Hàng Dương, cúi đầu tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Nghĩa trang Hàng Dương quy tụ gần 2.000 ngôi mộ và đây cũng là nơi an nghỉ của nhiều anh hùng lẫy lừng của nước nhà như Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Lê Văn Việt, Cao Văn Ngọc và đặc biệt là bông hoa lê ki ma bất tử của riêng người miền Đông, liệt nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Trên một vùng đất rộng chưa tới 60 km2 như Côn Đảo nhưng lại có đến 20.000 nghìn con người đã ngã xuống qua hai cuộc kháng chiến để giành lại độc lập cho nước nhà, có thể nói Côn Đảo là hòn đảo dầu sôi lửa bỏng, địa ngục trần gian, nơi những bạo tàn mà quân thù đã giáng vào những con người cách mạng luôn thà chết chứ không lùi bước, nơi ghi dấu những bất khuất, quyết tử cho Tổ quốc hồi sinh của nhiều thế hệ trong lịch sử nước nhà. Chính vì thế, khi hòa bình lập lại, nhiều bước chân Việt từ khắp mọi miền Tổ quốc, trong và ngoài nước đều tìm về lại đây, nơi nghĩa trang Hàng Dương tại hòn đảo nhỏ này, để thắp nén hương thành kính tri ân những người đã ngã xuống.

Hào khí miền Đông: Nhịp đập bất tử giữa biển khơi  - Ảnh 2.

Nghĩa trang Hàng Dương

NGUYỄN LONG

Tuy nhiên, qua những lần ngồi lặng im cùng ba nơi nghĩa trang lộng gió này, nhìn dòng người lặng lẽ cúi đầu thành kính nơi tượng đài liệt sĩ Hàng Dương đêm ngày, tôi đã chiêm nghiệm ra điều kỳ diệu của hai tiếng "bất tử" và tôi đã ngờ ngợ hiểu ra từ "thiêng" mà mẹ từng nói với mình. Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương không chỉ là điểm đến để lưu dấu sự tri ân của các thế hệ ngày nay với những người đã khuất, mà nơi đây còn là nguồn nội lực vĩnh cửu, chắp cánh cho Côn Đảo bay vút lên tầm cao của một trung tâm du lịch biển đảo đầy mạnh mẽ và giàu có. Dòng người từ khắp phương trời đổ về Côn Đảo, về thăm lại các di chỉ khói lửa một thời, về tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương, họ không chỉ mang theo trong mình lòng thành kính tri ân với đất và người nơi đảo nhỏ này, mà còn đem đến những tiềm năng phát triển thực thụ, giúp Côn Đảo thay da đổi thịt từng ngày.

Côn Đảo giờ đây khác lắm. Một công trình hồ chứa nước hiện đại hơn đang được xây dựng. Thêm một bệnh viện quân dân hoành tráng nữa cũng đang hoàn thành. Xen kẽ với những dãy nhà phố xinh đẹp, nhộn nhịp, là các khu trung tâm nghỉ dưỡng mang đẳng cấp quốc tế hiện đại và rực rỡ sắc màu. Một Côn Đảo thật bình yên, đẳng cấp và quá đỗi quyến rũ. Có thể nói, cánh cổng nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương mở cửa đêm ngày để dòng máu Việt từ muôn phương hội tụ về hun đúc và tôn vinh những giá trị vĩnh cửu cũng là hình ảnh cho một hòn đảo đang phát triển không ngừng nghỉ mọi phút giây.

Ngồi giữa lòng nghĩa trang Hàng Dương lộng gió, cha con tôi như cảm nhận được sự chuyển tiếp hào khí một thời nơi hòn đảo nhỏ này. Giữa lòng Côn Đảo bao bọc, nhịp đập không ngừng nghỉ của tượng đài bất tử Hàng Dương đã chứng minh những dư âm hào hùng một thời không ngủ im, mà trái lại, nó còn truyền thừa cho đến ngày nay để giúp đảo xa cất cánh. Tôi đã hiểu chữ "thiêng" mà mẹ đã nói với mình. Đó không chỉ là cái "thiêng" mang tính tâm linh, cầu được ước thấy của cuộc sống đơn thuần, trong không gian bình yên, lộng gió nơi nghĩa trang Hàng Dương, tôi hiểu cái "thiêng" đó chính là ngọn lửa, hun đúc ý chí bảo vệ và xây dựng quê hương xứ sở xuyên suốt qua mọi thế hệ Việt. Có thể nói, hào khí xưa của đất và người nơi hòn đảo này kết tinh qua biểu tượng đài liệt sĩ nơi nghĩa trang Hàng Dương và trở thành một nhịp đập bất tử để lan tỏa qua muôn trùng khơi và giúp cho Côn Đảo ngày nay trở mình cất cánh vươn lên. 

Hào khí miền Đông: Nhịp đập bất tử giữa biển khơi  - Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.