Làng nghề truyền thống vào vụ tết: Rộn ràng thủ phủ hoa cúc miền Trung

Phạm Anh
Phạm Anh
23/01/2024 07:00 GMT+7

Làng hoa Nghĩa Hiệp (H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) được coi là thủ phủ hoa cúc của miền Trung, đang rộn ràng vào vụ tết.

Những ngày này, đến thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp, H.Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), hầu như không có ai ở nhà. Tất cả đang ở ngoài vườn, ngoài ruộng hoa. Nhấp nhô trong màu xanh cây lá dưới cơn mưa phùn nhẹ, lạnh se se, nông dân trồng hoa cắm cúi bên những chậu cúc, hồng, mai… Bắt đầu từ vài nhóm hộ trồng, sau đó cả xóm và bây giờ là hàng trăm hộ trồng hoa bán tết.

Làng nghề truyền thống vào vụ tết: Rộn ràng thủ phủ hoa cúc miền Trung- Ảnh 1.

Ban đêm, người trồng hoa vẫn túc trực tại vườn

PHẠM ANH

ĂN, THỨC VỚI HOA

Vụ hoa tết năm nay, anh Lê Văn Nông (ở thôn Hải Môn) trồng gần 1.900 chậu hoa gồm cúc, dạ yến thảo và hoa hồng. Anh Nông nói đó là "của ăn của để", được giá sẽ thu về cả trăm triệu đồng mùa tết. Vì vậy mà từ khi xuống giống hồi tháng 7 năm trước, anh Nông ở bên hoa nhiều hơn ở với vợ con mình.

Theo anh Nông, trồng hoa cúc thì sợ ông trời "nóng, lạnh", không chịu bung hoa đúng ý. Hoa hồng sợ mưa quá rễ bị hỏng, nắng gắt quá thì bị bọ trĩ. Còn dạ yến thảo thì cứ như cô tiểu thư, ưa nắng nhưng vừa vừa thôi, nắng quá thì cánh hoa mau tàn, mưa quá thì úng rễ. Năm nay ông trời cũng "khó ở", nắng đã đời gần hết tháng 10 âm lịch, đến đầu tháng 11 âm lịch thì mưa triền miên, nên chăm cây phải cẩn thận từng li từng tí.

Chỉ vào hàng trăm chậu cúc đang thì quan trọng nhất của chu kỳ trồng, anh Nông cho biết khi trời lạnh người làng hoa Nghĩa Hiệp phải kéo điện thắp sáng giữ ấm cho cây vào ban đêm, để cúc không "ngủ vùi" với những cơn gió lạnh.

Làng nghề truyền thống vào vụ tết: Rộn ràng thủ phủ hoa cúc miền Trung- Ảnh 2.

Những vườn hoa chuẩn bị bán tết năm nay

PHẠM ANH

Người Nghĩa Hiệp bắt đầu thắp đèn điện cho hoa cúc từ khi tiết trời có gió lạnh, nắng trong ngày ít dần đi. Từ 18 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, ai đi qua làng hoa Nghĩa Hiệp sẽ thấy cảnh tượng hàng ngàn ngọn đèn huỳnh quang loại nhỏ (công suất từ 15 - 20W) lung linh, sáng rực như phố phường về đêm. Theo họ, làm cách này để điều tiết sinh trưởng cho hoa cúc, giúp cây phát triển theo ý người trồng. Khi cây đạt đến độ cao tầm 0,7 - 0,8 m, người trồng tắt đèn dần để cây làm nụ hoa.

Bà Lê Thị Vỹ, người có hàng chục năm trồng hoa cúc tết ở xã Nghĩa Hiệp, cho biết thắp đèn là để "biến đêm thành ngày", cho hoa cúc "vui chơi" không biết ban đêm, nhằm kích thích cây phát triển nhanh, nở hoa đúng thời điểm như ý định của người trồng.

SỨ GIẢ MÙA XUÂN

Theo bà Võ Thị Thịnh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp, làng hoa Nghĩa Hiệp hình thành từ sau năm 1975 đến nay. Ngày trước, dân ở đây chỉ trồng hoa để chưng ngày tết. Sau này, khi bán được ra thị trường, bà con cùng nhau trồng nhiều hơn. Rồi từ một xóm thành thôn và lan tỏa từ thôn này đến thôn kia. Đến nay thì cả xã Nghĩa Hiệp trồng hoa và với riêng hoa cúc nơi đây được xem là thủ phủ lớn nhất miền Trung.

Vào đầu năm 2023, xã Nghĩa Hiệp đã đón bằng công nhận nhãn hiệu tập thể làng hoa Nghĩa Hiệp do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp, xem như nghề trồng hoa ở đây được chính thức công nhận. Hoa không chỉ làm đẹp cho vùng đất này mà còn giúp cho người dân có kế sinh nhai. Mỗi năm, làng hoa này cung cấp hàng trăm ngàn chậu hoa cho thị trường tết khắp các tỉnh, thành miền Trung và Tây nguyên.

Người Nghĩa Hiệp lấy giống hoa cúc từ Đà Lạt về trồng. Dần dần có kinh nghiệm, người trồng hoa đất này cải biên nhiều kỹ thuật trồng. Phương thức bán hoa cũng thay đổi, từ thuê xe chở đi bán, nay làng hoa Nghĩa Hiệp có thương lái đến tận vườn để mua. Xuống giống được vài tháng đã có người liên hệ đặt cọc, "mua đứng" nguyên cả vườn hoa.

Người dân ở làng hoa Nghĩa Hiệp còn cho biết người trồng hoaBình ĐịnhQuảng Nam cũng đến làng hoa lấy cây giống về trồng, nhưng lớn lên, cây không cao, hoa lại không tươi bằng ở Nghĩa Hiệp.

Theo những bậc cao niên ở đây, nhiều người quan niệm hoa cúc là hoa chia ly, nhưng không đúng. Nó có nguồn gốc từ Nhật Bản và Trung Quốc, luôn gắn với văn hóa Đông phương, là biểu tượng của sự thanh cao, trường thọ và tình mẫu tử. Do vậy, người ta cúng tổ tiên hay cắm hoa cúc trong bình thể hiện sự hiếu thảo với cha mẹ, ông bà. Hoa cúc có màu vàng rực rỡ, cũng mang lại may mắn cho gia chủ, nhất là trong ngày đầu đầu xuân.

"Ở Quảng Ngãi, hầu như hơn nửa số gia đình đều thích mua chậu hoa cúc về chưng trước nhà. Đó cũng là sự cầu mong may mắn cho gia đình", một lão niên ở Nghĩa Hiệp chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Đăng Vinh, Chủ tịch UBND H.Tư Nghĩa, làng hoa Nghĩa Hiệp sẽ từng bước xây dựng vùng cây hoa giống. Bên cạnh đó sẽ đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cây hoa ở đây, phát huy thế mạnh làng hoa. Ngoài ra, trong tương lai gần, địa phương sẽ liên kết với các công ty lữ hành mở tour đưa du khách đến tham quan làng hoa Nghĩa Hiệp, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.