Mẹ tôi

06/03/2023 20:25 GMT+7

Làng Cốc nổi tiếng giàu có và đỗ đạt làm quan. Làng Cờ lại nghèo có truyền thống, nghèo bền vững. Làng Cờ là quê ngoại của tôi, mẹ tôi là "gái làng Cờ" như ba tôi vẫn gọi yêu sau này…

1. Tôi vẫn nhớ những ngày còn bé, ngồi nghe ba và bác Minh Tân nói chuyện vẫn có câu "Quan làng Cốc - Ốc làng Cờ". Vần điệu nghe hay hay mà chả hiểu tại sao. Lớn thêm một chút, tôi vỡ dần thành ngữ này chỉ sự đối lập của 2 làng thuộc 2 huyện sát nhau của tỉnh Hải Dương.

Làng Cốc (H.Gia Lộc) nổi tiếng giàu có và đỗ đạt làm quan. Làng Cờ (H.Tứ Kỳ) lại nghèo có truyền thống, nghèo bền vững. Làng Cờ là quê ngoại của tôi, mẹ tôi là "gái làng Cờ" như ba tôi vẫn gọi yêu sau này.

Mẹ tôi - Ảnh 1.

Tao Creative

Mẹ tôi sinh ra ở làng quê nghèo nhưng lại con nhà khá giả. Ông, bà ngoại tôi là nhà giáo, còn gọi là cụ giáo Quán nổi tiếng cả vùng vì có học, có nghĩa và có của ăn, của để. Lâu lâu, mấy anh em họ tộc về thăm lại làng Cờ, làng vẫn nghèo như đặc trưng bao làng Bắc bộ khác.

Ngày khá giả xưa chỉ còn vài dấu vết nền nhà cũ của ông ngoại, cái hồ sen có cầu bằng đá dẫn ra thủy đình. Thềm nhà cũ 5 gian rộng thênh thang kiêm cả nơi dạy học. Các cụ chỉ chỗ kia là nhà lẫm chứa gạo, thóc; chỗ này là chuồng trâu có người nhà ở chăm nom.

Mẹ tôi kể năm 1945 nạn đói, ông, bà ngoại mở kho phát chẩn gạo, thóc cho cả làng. Nhà ông, bà ngoại ở làng Cờ là nơi nuôi các anh cán bộ kháng chiến của Ty Thông tin văn hóa về nằm vùng. Chính vì vậy mà ba tôi theo bác Minh Tân về đây, giai tỉnh gặp gái làng Cờ đổ cái "rầm", chuyện tình chàng và nàng bắt đầu từ đấy.

2. Mẹ tôi ngày ấy xinh phải cỡ nhất, nhì làng, tôi đoán vậy; quả thực nhìn ảnh nàng hồi trẻ trông xao xuyến phết. Mặt trái xoan, mũi cao, da trắng mịn, tóc chải bồng, áo dài tím, đeo đôi khuyên vàng và dây chuyền mỏng mảnh… thật thanh lịch và ngọt ngào.

Chả thế mà anh giai tỉnh lúc nào cũng bị cả tá các cô tiểu thư trường Pháp con nhà tư sản, rồi các cô văn công tỉnh nhà vây quanh gặp nàng bèn… mất khả năng chống cự. Ba, mẹ tôi cưới nhau năm 1958 rồi về ở cùng nhau tại 30 Nguyễn Du. Chuỗi ngày vất vả, gian nan chiến tranh, loạn lạc, lũ lụt… vừa làm vừa nuôi 4 đứa con bắt đầu với cô gái ngoài 20 tuổi.

Mẹ tôi lên thị xã làm tại công ty in Hiệp Thành (tư nhân), sau này chuyển thành Xí nghiệp in Hải Dương làm công nhân sắp chữ, soát mo rát, rồi tổ sách, tức là vào trang, đóng quyển. Công việc vất vả với người phụ nữ 4 con kèm thêm ông chồng văn nghệ sĩ.

Có lần, ba đi trại sáng tác, ở nhà lụt mẹ vừa chạy kho nhà in xong, về đến nhà nước đã ngập bời bời, phải vội vàng vừa chuyền trên mái nhà chuyển đồ, vừa ôm con chạy khỏi lụt. Nghe kể lại thôi vẫn còn hãi hùng. Rồi những đận mẹ đạp xe đi, về giữa thị xã và nơi sơ tán mua dầu, gạo, muối nuôi con trong bom đạn nữa.

Đến giờ tôi vẫn nhớ nhất là sức lao động của mẹ những ngày khốn khó ấy. Không hiểu mẹ lấy sức lực đâu để băng qua mọi khó khăn chồng chất như vậy. Mẹ tôi xoay đủ thứ việc để kiếm thêm tiền. Nhà lúc nào cũng nuôi vài "ông" lợn to, béo, trắng hồng. Chiều chiều, mẹ xách xô đi xin nước gạo, thức ăn thừa quanh xóm về rồi băm thêm rau nấu cho lợn ăn. Tôi thường ngồi cạnh gãi gãi bụng bọn nó nằm lăn phơi tí hồng hồng ra. Mỗi lần nhà bán lợn, tôi lại khóc rống lên vì thương nhớ lũ chúng nó, bọn "bạn lớn" tức lợn bán.

Căng nhất vụ làm đèn ông sao để bán vào mỗi dịp trung thu. Chiến dịch "thắp sáng đêm rằm" này thường ngốn cỡ hai tháng lao động cật lực của cả nhà. Mẹ tôi chẻ nan cả đêm từ đống nứa mua về, nhuộm cây đay làm cán, nhuộm giấy… cho cả nhà sản xuất. Làm hết đêm tới ban ngày, mẹ lại đi giao bán cho các cửa hàng. Rồi mẹ còn vẽ tranh, làm hoa giấy, dán hộp, bóc lạc… chả thiếu việc gì, không lúc nào ngơi ngoài việc của xí nghiệp, vậy mà vẫn chỉ đủ ăn.

Tôi nhớ ngày nào mẹ cũng phải đong gạo vì làm gì có tiền mua nhiều một lúc. Tôi dù còn bé, cũng hiểu câu mẹ bảo với hàng xóm, "hôm nay gạo hơn lắm" là gạo rẻ hơn hôm qua một chút. Hôm nào nhà có lưng thùng gạo, âu mỡ lẫn tóp trong chạn bếp là thấy ấm áp, yên tâm hẳn. So với hàng xóm, cả nhà mình cũng không bị đói, không bị ăn độn.

Mẹ tôi - Ảnh 2.

Tao Creative

3. Buồn cười nhất có vụ ba chê mẹ tiêu hoang. Lệnh trừng phạt ban ra làm cả nhà chỉ có cơm và bắp cải, duy có tôi được mẹ cho ăn thêm quả trứng, miếng giò bé bằng ngón tay. Được 3 ngày ba tôi thì thầm bảo 2 anh Đức, Đạt, thôi ba hàng cho dân khỏi khổ, không phê bình mẹ nữa. Thế là hòa bình lập lại, cơm có tí tôm rang mặn, thịt rang dừa… Lúc ấy, chị Thuận đã đi đại học thì phải.

Một tay mẹ tôi lo bao vụ chuyển nhà, xây nhà từ Nguyễn Du về Tuy Hòa, rồi Bắc Sơn. Lúc xây cái nhà Nguyễn Du trùng với mở ngã tư Đông Thụy, đêm nào cũng thấy mẹ ra xúc vài xảo đá công nhân đổ làm đường giấu ở góc nhà để đổ bê tông nhà mình. Nghĩ lại thật tội nghiệp, không biết có được đến 1 m3 đá không, lại đổ cho "thằng" nghèo mà ra vậy.

Ba tôi không thành thạo mấy việc thổ mộc nên gi gỉ gì gi cũng lại mẹ chỉ huy cả. Mẹ tôi xông pha như đàn ông trong nhà. Đến nỗi, tôi tận mắt chứng kiến vụ 2 ông, bà lai nhau đi công việc đâu đó, sờ đến xe đạp hết hơi, ông sang hàng xóm mượn cái bơm về dí vào tay bà bảo: "Bà bơm đi!!!".

Ấy vậy mà hai ông, bà vẫn hợp nhau, vẫn thương nhau, bù trừ cho nhau thật hoàn hảo. Bà luôn sẵn sàng vay tiền tiếp cơm cả đoàn xe của Đài Tiếng nói Việt Nam về thu âm vở của ông chồng nghệ sĩ. Lại thêm việc chăm chỉ hầu cơm, rượu cho các ông bạn văn thơ về ăn, ở tại nhà vài ngày. Tài ơi là tài!

4. Phần tôi, tôi tự hào lắm khi khoe với lũ bạn chuyện lấy chồng, sinh con luôn được mẹ chăm, kiêng tuyệt đối 3 tháng nằm ổ: từ ăn đến tắm mẹ, tắm con… Bọn trẻ nhà mình trừ chị Minh Thư ở xa, còn lại cả đàn cháu luôn được bà tắm lá chè xanh, chanh sạch sẽ, thơm tho đến 3 tháng để lớn xinh, mịn màng như bây giờ.

Hôm qua, trên mạng mọi người nói nhiều về ngày của mẹ mới du nhập, tôi thấy chả lời nào cho đủ với các mẹ. Làm mẹ là công việc vinh quang, kì vĩ và ngọt ngào nhất đối với đàn bà, như bà, như mẹ, như chị tôi. Mẹ tôi đang có những ngày tuổi già bình an, hạnh phúc trong sự yêu thương của cả nhà, chắc cũng chẳng bù được bao gian khó mẹ đã trải. Có những lúc mẹ giận con, giận cháu nhưng chắc không sao mẹ nhỉ, vì nước mắt luôn mãi chảy xuôi!

Làm mẹ là công việc vinh quang, kì vĩ và ngọt ngào nhất đối với đàn bà, như bà, như mẹ, như chị tôi.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.