Mỹ dọa rút khỏi thuận hạt nhân Iran, Đức cảnh báo chiến tranh

15/10/2017 08:39 GMT+7

Ngoại trưởng Đức ngày 14.10 cảnh báo nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran thì Tehran sẽ phát triển vũ khí hạt nhân, dẫn đến làm tăng nguy cơ chiến tranh gần châu Âu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13.10 từ chối chứng nhận Iran tuân thủ nội dung thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận này. Tổng thống Trump lưu ý Iran đã nhiều lần vi phạm những cam kết được giao kèo vào năm 2015.
Phản ứng trước tuyên bố từ phía Mỹ, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho hay Tổng thống Trump đã “gửi tín hiệu nguy hiểm” giữa lúc đối phó với tình hình khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.
“Mối quan ngại lớn nhất của tôi là tuyên bố của Tổng thống Mỹ về vấn đề Iran có thể khiến các quốc gia trên thế giới cân nhắc sở hữu vũ khí hạt nhân dù cho các thỏa thuận có bị phá vỡ hay không. Như vậy, con cháu chúng ta sẽ lớn lên trong một thế giới cực kỳ nguy hiểm”, Reuters dẫn lời ông Gabriel nói.
Nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hoặc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt thì điều này giúp những quan chức kịch liệt chống lại đàm phán với phương Tây có thêm tiếng nói, ông Gabriel lưu ý.
“Khi đó, họ sẽ phát triển vũ khí hạt nhân. Chúng ta sẽ quay trở lại thời điểm cách đây 10, 12 năm, khi đó Israel sẽ không ngồi yên, làm gia tăng mối đe dọa chiến tranh gần châu Âu”, ông Gabriel cảnh báo.
Ngoại trưởng Đức kêu gọi Washington không nên đe dọa nền an ninh của các quốc gia đồng minh và nhân dân Mỹ chỉ vì những vấn đề chính sách nội bộ.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng gọi thỏa thuận năm 2015 là bước đột phá then chốt giúp ngăn chặn Iran phát triển bom hạt nhân. Anh, Đức, Liên minh châu Âu (EU), Nga, Pháp và Trung Quốc cũng tham gia đàm phán và ký kết thỏa thuận này với Iran.
Theo luật, Tổng thống Mỹ phải chứng nhận việc Iran chấp hành thỏa thuận hạt nhân mỗi 90 ngày. Nếu không, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định có rút khỏi thỏa thuận bằng cách áp đặt trở lại những biện pháp trừng phạt kinh tế Iran hay không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.