NATO dự báo xung đột Ukraine kéo dài, Nga nói đã diệt nhiều lính đánh thuê

La Vi
La Vi
03/06/2022 12:26 GMT+7

Hôm 2.6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo các nước phương Tây cần chuẩn bị cho cuộc “giao tranh tiêu hao” kéo dài tại Ukraine. “Chúng ta phải chuẩn bị cho đường dài vì như ta đã thấy, xung đột này đã trở thành cuộc giao tranh tiêu hao”, vị tổng thư ký NATO nói với phóng viên tại Nhà Trắng, theo AFP.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Stoltenberg tái khẳng định NATO không muốn đối đầu trực diện với Nga, nhưng khối này có “trách nhiệm” hỗ trợ Ukraine. Ông nói có khả năng cuộc xung đột hiện tại sẽ được giải quyết bằng đàm phán, nhưng cũng lưu ý rằng "những gì xảy ra ở nơi đàm phán sẽ gắn bó mật thiết với tình hình ở thực địa”.

Khi được hỏi liệu phương Tây có đang gây sức ép để Ukraine chấp nhận mất lãnh thổ để đàm phán hòa bình, tổng thư ký NATO nói: “việc Ukraine nên chấp nhận hoặc không chấp nhận điều gì không phải do người ngoài quyết định”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp nhau tại Lầu Năm Góc (Washington, Mỹ)

reuters

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 2.6 nói hiện Ukraine đang mất kiểm soát 20% lãnh thổ, tương đương diện tích một quốc gia như Hà Lan. Tuy nhiên, ông không nói rõ phần diện tích đã bị Nga kiểm soát sau khi chiến dịch quân sự bắt đầu hôm 24.2.

Đại diện Bộ Quốc phòng Nga hôm 2.6 nói quân đội nước này đã loại khỏi vòng chiến đấu nhiều lính đánh thuê nước ngoài ở Ukraine nhiều tháng qua.

Theo đó, một phần đã bị tiêu diệt khi vừa mới đến Ukraine để tham gia huấn luyện khi tên lửa Nga bắn trúng điểm tập kết, nhưng hầu hết lính đánh thuê thiệt mạng tại vùng chiến sự do đào tạo kém và thiếu kinh nghiệm thực chiến.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, kể từ đầu tháng 5, sự xuất hiện của lính đánh thuê nước ngoài đã giảm mạnh, từ con số 6.600 ở thời điểm bắt đầu chiến sự đến nay chỉ còn khoảng 3.500 người.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga nói chính quyền Kyiv đã tuyển mộ gần 7.000 lính đánh thuê từ 63 quốc gia để tham chiến, trong đó nhiều người đã bỏ trốn, bị giết hoặc bị bắt làm tù binh. Hầu hết lực lượng này được triển khai ở Kiev, Kharkov, Odessa, Mykolaiv và Mariupol. Ukraine hiện chưa bình luận về thông tin trên.

TP.Severodonetsk ở tỉnh Luhansk vẫn là tâm điểm giao tranh hiện nay, khi quân Ukraine tổ chức phản công nhưng lực lượng Nga vẫn đang kiểm soát 80% khu vực này.

Thống đốc tỉnh Lugansk Serhiy Gaidai nói rằng khoảng 800 người dân đang ẩn náu trong một số hầm trú bom thời Liên Xô bên dưới nhà máy hóa chất Azot ở thành phố Severodonetsk.

Giới chức Ukraine nói rằng lực lượng Nga tiếp tục tấn công nhà máy Azot và "bắn trúng một tòa nhà hành chính cùng một kho chứa methanol", song không rõ lượng methanol còn lại ở đó là bao nhiêu.

Ông Oleksii Hromov, Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Ukraine, cho biết lực lượng đang bảo vệ Severodonetsk sẽ không rút lui, dù thừa nhận khả năng thành phố rơi vào tay lực lượng Nga.

Ở tỉnh láng giềng Donetsk, Thống đốc tỉnh Pavlo Kyrylenko cho biết một số khu vực ở tỉnh này liên tục bị tấn công bằng hỏa tiễn, bao gồm thành phố Bakhmut và Slovyansk. Quân đội Nga cũng đang "di chuyển dọc theo hướng Lyman-Izyum để giành quyền kiểm soát Sloviansk và Kramatorsk", trong khi đường cao tốc từ Bakhmut đến Lysychansk vẫn nằm trong tầm bắn của phía Nga.

Ở miền nam, các lực lượng Ukraine hôm 2.6 nói rằng họ đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong cuộc tấn công nhắm vào các vị trí của Nga ở Kherson - khu vực hiện do Nga kiểm soát, theo CNN.

Liên quan đến cấm vận Nga, Nhà Trắng hôm 2.6 đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Moscow, bao gồm một số du thuyền được cho là có liên quan đến Tổng thống Vladimir Putin, một nhà tài phiệt trong lĩnh vực thép, và một nghệ sĩ cello mà Mỹ nói làm trung gian cho nhà lãnh đạo Nga.

Liên minh châu Âu (EU) cùng ngày cũng đã hoàn tất một thỏa thuận kỹ thuật về lệnh cấm vận đối với dầu mỏ Nga và các biện pháp khác trong gói trừng phạt thứ sáu của khối nhằm vào Moscow.

Lãnh đạo các nước EU đã đồng ý về nguyên tắc đối với gói trừng phạt này hồi đầu tuần. Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) tới nay đã ghi nhận hơn 6,8 triệu người Ukraine rời đất nước sau ngày 24/2, thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCR) ước tính giao tranh ở Ukraine đã khiến ít nhất 4.169 dân thường thiệt mạng và 4.982 người bị thương, nhưng cảnh báo con số thực tế có thể cao hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.