NATO sẽ có lãnh đạo nữ đầu tiên?

NATO sẽ có lãnh đạo nữ đầu tiên?

03/06/2023 09:33 GMT+7

Một cuộc tranh luận căng thẳng đang kín đáo diễn ra tại các thủ đô và tổng hành dinh quân sự khắp châu Âu và Bắc Mỹ, xoay quanh chủ đề: Ai xứng đáng là lãnh đạo kế tiếp của liên minh quân sự NATO?

Đương kim Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg dự kiến sẽ rời vị trí này vào tháng 9 tới, và tên nhà lãnh đạo mới sẽ được công bố sớm nhất là vào tháng 7. Nhiều cái tên đã được đưa ra, nhưng chưa có ai thật sự nổi bật. Họ là ai và cuộc tranh luận có nội dung gì?

"Hiện không thiếu ứng cử viên tiềm năng. Có nhiều nam, nữ ứng cử viên đã được nhắc tên. Và vì NATO chưa từng có một nữ tổng thư ký trước đây, theo tôi, xét đến việc truyền tải ấn tượng về một liên minh ở thế kỷ 21 chuyển mình theo xã hội hiện đại, đây là lúc thích hợp để tổng thư ký NATO là một phụ nữ, như trường hợp của nhiều tổ chức quốc tế khác. Dĩ nhiên, các quốc gia ở Trung và Đông Âu đã là thành viên NATO một thời gian dài và đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ tập thể ở sườn phía đông hiện nay, họ cũng có thể cảm thấy là 'cũng đã đến lúc chúng ta đảm nhận vị trí này'", nhà nghiên cứu Jamie Shea, cựu phát ngôn viên NATO hiện làm việc tại viện nghiên cứu Chatham House, cho biết.

Theo nhiều nguồn tin ngoại giao, trong số những cái tên được đặt lên bàn cân có Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. Bà Frederiksen cho biết chưa chính thức ứng tuyển, nhưng bà vẫn được xem là một cái tên nổi bật.

Ở tuổi 45, bà là thủ tướng trẻ tuổi nhất của Đan Mạch khi đắc cử. Bà được ca ngợi vì nỗ lực quản lý khủng hoảng trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu làm lãnh đạo NATO, bà sẽ phải rời khỏi vị trí thủ tướng và có thể dẫn tới hỗn loạn chính trị tại Đan Mạch. Ngoài ra, chi tiêu quân sự của Đan Mạch cũng chưa đạt mức 2% GDP theo quy định của NATO, dù bà khẳng định muốn tăng khoản chi này.

Tại Đông Âu, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cũng là một ứng cử viên sáng giá. Bà cũng 45 tuổi và là nữ thủ tướng đầu tiên của Estonia. Tuy nhiên, một số thành viên cho rằng bà Kallas quá cứng rắn với Nga.

Từ nước Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace đã tự đề cử mình cho vị trí lãnh đạo NATO. Ông nhận được sự tôn trọng khắp liên minh, là một thành viên quốc hội và cũng là cựu sĩ quan quân đội.

Tuy nhiên, nhiều nước châu Âu, như Pháp, muốn lãnh đạo NATO là người thuộc khối EU. Nhiều thành viên NATO cũng thích một ứng viên từng là thủ tướng hoặc tổng thống. Bản thân ông Stoltenberg cũng từng là thủ tướng Na Uy.

Nhiều nhà ngoại giao nhận định Bộ trưởng Wallace có cơ hội, nhưng khó thành công.

"Theo cảm nhận của tôi, với vai trò hiện tại và tầm quan trọng của NATO, liên minh sẽ tìm kiếm một người đang là thủ tướng bởi vì vị trí đó thực sự có nhiều mối liên hệ, nắm giữ mọi thứ, có khả năng ngay lập tức liên hệ các tổng thống và thủ tướng cả ở các nước NATO và nhiều nơi khác, hướng đến kiểu ngoại giao cấp cao mà NATO đang thực hiện", ông Shea nhận định.

Còn nhiều cái tên khác đang được cân nhắc. Nhưng còn có một một góc nhìn khác: nhiều nhà ngoại giao dự đoán sẽ có nhiều ứng viên bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary xem là không thể chấp nhận được. Hai quốc gia này thường có quan điểm trái ngược với các đồng minh về nhiều vấn đề quan trọng. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đang ngăn chặn nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển.

Rốt cuộc, cũng có khả năng ông Stoltenberg sẽ được yêu cầu tiếp tục giữ vai trò hiện tại để duy trì sự thống nhất trong bối cảnh bất ổn.

NATO lên kế hoạch bí mật đương đầu Nga?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.