Tàu Discovery đến trạm vũ trụ

18/03/2009 13:44 GMT+7

(TNO) Sáng nay 18.3, sau hành trình kéo dài gần 2 ngày, tàu con thoi Discovery đã đến kết nối vào Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), bắt đầu cho 8 ngày làm việc trên trạm để lắp ráp tấm pin năng lượng mặt trời thứ tư, cũng là tấm cuối cùng trị giá 300 triệu USD do Mỹ chế tạo, theo Reuters.

 

Tàu Discovery kết nối vào trạm vũ trụ - Ảnh: Reuters

Tàu Discovery với sự điều khiển của chỉ huy trưởng Lee Archambault và phi hành gia Tony Antonelli đã cặp vào trạm vũ trụ lúc 4 giờ 19 sáng nay (giờ VN, tức 17 giờ 19 giờ chiều qua ở Mỹ) ở quỹ đạo khoảng 354 km phía trên miền tây nước Úc. Trước đó, trong thời gian tàu Discovery đến gần ISS, các phi hành gia trên trạm đã chụp khoảng 300 bức ảnh lớp vỏ bằng gốm cản nhiệt của tàu để gửi về Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) phân tích nhằm bảo đảm sự an toàn cho tàu khi trở về, tránh lặp lại tai nạn thảm khốc của tàu Columbia hồi năm 2003 làm chết 7 phi hành gia.

Khoảng 2 giờ sau khi kết nối, phi hành đoàn 7 người của tàu Discovery đã bước vào trạm trong sự chào mừng của đoàn phi hành gia ISS (Đoàn 18) gồm chỉ huy trưởng Michael Fincke, nữ phi hành gia Sandra Magnus (cả hai là người Mỹ) và phi hành gia của Nga Yury Lonchakov.

Giây phút 2 đoàn phi hành gia gặp nhau đánh dấu sự kiện lịch sử của nền khoa học vũ trụ Nhật Bản, khi phi hành gia Koichi Wakata (45 tuổi) đến từ Cơ quan Thám hiểm không gian Nhật Bản (JAXA) chính thức gia nhập Đoàn 18, trở thành người Nhật đầu tiên tham gia đoàn phi hành gia của trạm vũ trụ. Wakata thay thế cho nữ phi hành gia Sandra Magnus - người đã ở trên trạm được 4 tháng.

 

Phi hành gia Koichi Wakata đến từ Cơ quan Thám hiểm không gian Nhật Bản chính thức gia nhập Đoàn 18 của ISS - Ảnh: Reuters

Trong 8 ngày có mặt trên ISS, các phi hành gia tàu Discovery sẽ thực hiện 3 chuyến đi bộ ngoài không gian để lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời vào trạm. Khi việc lắp đặt hoàn tất, trạm vũ trụ sẽ được cung cấp nguồn năng lượng tổng cộng là 124 kilowatt điện. Với nguồn năng lượng mới này, trạm vũ trụ sẽ nâng số phi hành gia thường trực làm việc lên gấp đôi, từ 3 lên 6 người vào tháng 5 tới.

Cùng với việc lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời, các phi hành gia cũng sẽ tiến hành sửa chữa hệ thống xử lý nước thải thành nước uống trị giá 250 triệu USD, bị trục trặc ngay sau khi lắp đặt vào cuối tháng 11 năm ngoái.

Theo dự kiến, tàu Discovery sẽ trở về trái đất vào ngày 27.3 tới sau hành trình kéo dài 13 ngày, ít hơn kế hoạch ban đầu 1 ngày. Việc rút ngắn sứ mệnh tàu Discovery là để dọn đường cho tàu vũ trụ Soyuz của Nga sẽ được phóng lên ISS vào ngày 26.3. Tàu Soyuz sẽ chở theo chỉ huy trưởng người Nga Gennady Padalka và phi hành gia Mỹ Michael Barratt đến trạm, thay thế cho Michael Fincke và Yury Lonchakov, để hợp với Koichi Wakata thành phi hành đoàn ISS 19.

Ngoài ra, tàu Soyuz còn chở theo một khách du lịch không gian là doanh nhân người Mỹ Charles Simonyi. Đây là chuyến bay vào không gian thứ 2 của tỉ phú Mỹ gốc Hungary này, chuyến bay trước đó vào năm 2007 cũng bằng tàu Soyuz. Để có chuyến trở lại không gian lần này, Simonyi đã phải trả 35 triệu USD.

 

Tàu Discovery trong không gian - Ảnh: Reuters

Tiến Dũng

>> Tàu Discovery bắt đầu sứ mệnh đến trạm vũ trụ
>> Lại hoãn phóng tàu Discovery
>> Tàu Discovery chuẩn bị cất cánh
>> Bay trên thảm không gian

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.