Người miền đông

21/12/2023 08:00 GMT+7

Lịch sử miền Đông, miền đất mới của Việt Nam, có hơn 300 năm, nhưng người miền Đông đã có mặt ở nơi ấy từ lâu lắm.


Đó là những những người dân bản địa, là những lưu dân theo dấu chân chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp, là những người nước khác như người Minh Hương lánh nạn đến đây mong được sự chở che để an ổn làm ăn. Rồi theo dòng thời gian, người miền Đông càng nhiều thêm lên. Đến khi người Pháp mộ phu thì người tứ xứ lại kéo về làm việc cho những vườn cao su bạt ngàn, những thương cảng sầm uất. Đến khi nước nhà thống nhất, miền Đông lại đón thêm người từ mọi miền đến để sinh cơ lập nghiệp. Và ngày nay, những cụm công nghiệp, trung tâm kinh tế mọc lên, lại thu hút bao nhiêu đồng bào đến với miền Đông làm việc.

đỉnh núi đá chữ thập (xã Phú Điền, H.Tân Phú, Đồng Nai) ngắm cảnh

Ngắm cảnh từ đỉnh núi đá Chữ Thập (xã Phú Điền, H.Tân Phú, Đồng Nai)

Lê Lâm

Từ xưa đến nay, người miền Đông và cả miền Nam luôn sẵn sàng tiếp nhận những kẻ tha hương:

"Rồng chầu ngoài Huế

Ngựa tế Đồng Nai

Nước sông trong chảy lộn sông ngoài

Thương người xa xứ lạc loài tới đây.

Tới đây thì ở lại đây

Khi nào bén rễ xanh cây thì về". (Ca dao)

Người miền Đông không chỉ là những người sinh ra và lớn lên ở miền Đông. Họ còn là những người đặt dấu chân đến miền Đông, và dù có ở lại hay chỉ ghé một đôi lần mà ghi dấu ấn ở đất miền Đông mãi mãi. Gia đình cả hai bên nội ngoại của tôi đều là dân tha hương lưu lạc rồi về định cư ở Tây Ninh. Tôi luôn nhớ điều đó và biết ơn mảnh đất đã tiếp nhận họ, nuôi dưỡng con cháu họ đến bây giờ.

Sài Gòn từng là thủ đô của một quốc gia hơn 20 năm. Dù đó là biểu hiện của sự ly tán cách chia và chiến tranh thì nó vẫn là câu chuyện của lịch sử mà chúng ta phải chấp nhận. Nhưng nhờ đó, ta cũng thấy rằng thành phố Sài Gòn có tầm vóc thế nào.

Miền Đông đã tiếp bước chân chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành trên con đường bôn ba tìm chân lý. Bến Nhà Rồng ở Sài Gòn là nơi đưa tiễn Người lên tàu và đi vào lịch sử. Đâu phải ngẫu nhiên mà thành phố Sài Gòn ngày nay được mang tên một con người vĩ đại.

Người miền đông - Ảnh 2.

Một góc TP.HCM nhìn từ trên cao

Ngọc Dương

Đã có biết bao nhiêu nguyên thủ, lãnh đạo nước ta từng sống chiến đấu và làm việc ở miền Đông. Rồi làm sao ta có thể kể hết những danh tướng, văn nhân, khoa học gia, nghệ sĩ… từng sống và cống hiến ở miền Đông. Ta càng không thể kể tên hàng triệu con người không tên đã sống và nuôi dưỡng dòng hào khí ở đất này.

Mỗi lần bước chân xuống một con đường nào đó, bao nhiêu cơ hội chúng ta sẽ gặp một con đường có tên của một người, một địa danh từng gắn bó với miền Đông? Vì ở đâu trong nước ta mà không từng nghe câu "ra ngõ gặp anh hùng"Ôi, những tên đất tên người đều mang hồn cốt núi sông tụ lại.

Người miền Đông đã làm giàu cho văn hóa phương Nam hào sảng mến khách. Họ cũng làm giàu cho chính mình, cho cả nước Việt Nam. Lúc chiến tranh thì người miền Đông lên đường cầm vũ khí, có hòa bình thì họ lại chung tay xây đời hạnh phúc ấm no. Trong mỗi tấc đất mỗi con người nơi đó, dòng hào khí vẫn luôn hừng hực trào tuôn. Và miền Đông sẽ đời đời được nhắc - không chỉ ở miền Đông mà toàn nước Việt Nam.

Vượt qua mọi gian nan của lịch sử trăm năm mất nước và mấy chục năm chiến tranh, những con người miền Đông mang hào khí ông cha tích tụ suốt hàng ngàn năm lịch sử lại bền chí kiên gan mà dựng xây quê hương thêm giàu đẹp. Không ai hỏi ai rằng lòng yêu nước trong anh là gì, ý chí phấn đấu trong tôi ra sao nhưng mỗi con người ở miền Đông là một minh chứng cho sự vươn lên không ngừng. Từ những cánh đồng bom cày đạn xới, suýt trở thành vùng đất chết như Củ Chi, bắc Tây Ninh năm xưa nay đã thành những vườn cây xanh mướt. Những nơi bị tàn phá, nay lại mọc lên những công trình tươi đẹp hơn mỗi ngày. Những điều đó không cần phải giải thích dài dòng. Đó là vì người miền Đông yêu quê hương mình, yêu lao động. Những khó khăn chỉ làm họ càng thêm tin tưởng ở ngày mai.

Nói về người miền Đông, tôi không sao quên được hai câu trong một bài hát: "Trong đấu tranh người miền Đông anh dũng/Trong lao động người lại cũng anh hùng" (Tình đất đỏ miền Đông - Trần Long Ẩn).

Miền Đông xưa nay vẫn luôn là cái nôi của những đổi mới và sáng tạo không ngừng. Những bàn tay và khối óc của hơn 20 triệu dân ở 6 tỉnh thành miền Đông đang chung tay xây dựng quê hương thêm giàu đẹp; nhất là TP.HCM - được định hướng trở thành một siêu đô thị, một trung tâm kinh tế văn hóa lớn, thành phố sáng tạo của cả nước. Nhưng tôi vẫn không muốn quên những trang sử xưa, thuở miền Đông từng được sự góp mặt của Long An, Tiền Giang (*). Nhắc đến không phải vì tham lam xí phần, mà kể để nhớ công lao máu xương tiền nhân nơi ấy đã cùng miền Đông và cả Việt Nam tranh đấu.

Những người con của miền Đông năm xưa đã tham gia mở cõi, đã đấu tranh góp phần cho độc lập tự do. Thì những người miền Đông hôm nay, trong đó có tôi, cũng luôn nhắc mình luôn khơi gợi hào khí của cha ông mà tiếp tục dựng xây đất nước, để con người miền Đông luôn xứng với đất trời miền Đông, để miền Đông luôn là điểm sáng trong xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam.

(*) Thuộc tỉnh Định Tường xưa

Người miền đông - Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.