Nhà sưu tầm trẻ tuổi tìm về nguồn gốc của tranh kiếng Nam Bộ

Đào Hằng
Đào Hằng
30/10/2019 06:00 GMT+7

Nguyễn Đức Huy, một sinh viên năm 4 ngành thiết kế đồ họa đã dành hơn 6 năm tìm hiểu và sưu tầm tranh kiếng Chợ Lớn, Lái Thiêu để giới thiệu đến công chúng.

Tranh kiếng là một sản phẩm không thể thiếu trong trang trí nội thất của người dân phương Nam, nó mang đậm nét văn hóa, bản sắc nghệ thuật riêng biệt của Nam Bộ so với các vùng miền khác.Nguyễn Đức Huy, sinh viên năm 4 ngành thiết kế đồ họa đã có hơn 6 năm tìm hiểu về dòng tranh này.

Nguyễn Đức Huy - Người sưu tầm tranh kiếng

Đào Hằng

Tranh kiếng được sản xuất nhiều ở Chợ Lớn, Lái Thiêu, Gò Công. Điểm đặc sắc của tranh kiếng Nam Bộ là: tùy từng tọa độ văn hóa - tín ngưỡng, tranh sẽ có những đổi thay về đề tài, nội dung. Do đó, ngắm một bức tranh kiếng, người ta có thể hình dung ra được nét văn hóa vùng miền với nhiều điểm đặc trưng. Ví dụ như ở Chợ Lớn chủ yếu sản xuất dòng tranh thờ nhân vật, tranh kiếng Lái Thiêu thường là tranh thờ ông bà gia tiên, cửu huyền thất tổ.

Tranh Quan Công được tìm thấy ở Tam Sơn Hội Quán (quận 5, TP.HCM)

Đào Hằng

Tranh kiếng ngày nay không còn được ưa chuộng trong những ngôi nhà hiện đại, điều này khiến cho nghề làm tranh kiếng mai một dần và người trẻ không có cơ hội được tiếp xúc với dòng tranh này. Bằng sự say mê văn hóa dân gian Nam Bộ, Nguyễn Đức Huy đã dành nhiều thời gian, công sức đi sưu tập tranh kiếng ở các ngôi đình, miếu. Bên cạnh đó còn học hỏi kỹ thuật làm tranh từ nghệ nhân đi trước để có thể tự phục chế những tấm tranh đã hỏng. Đây là công việc không hề dễ dàng.

Tranh Hoa sen, thuộc bộ tranh thờ cửu huyền thất tổ

Đào Hằng

Đầu tháng 10.2019 Nguyễn Đức Huy đã đưa công chúng tham gia cuộc “du ký họa kiếng”, tại đây Huy giới thiệu bộ sưu tập hơn 60 tấm tranh kiếng của mình đến với người yêu mến các giá trị dân gian. Với khán giả trẻ, triển lãm đã mang đến cái nhìn mới mẻ về một loại hình nghệ thuật đang dần bị lãng quên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.