Nhóm nổi dậy chiếm một thị trấn sau cuộc đụng độ dữ dội với quân đội Myanmar?

Văn Khoa
Văn Khoa
25/01/2024 14:49 GMT+7

Quân đội Arakan (AA), nhóm vũ trang dân tộc thiểu số Myanmar, tối 24.1 tuyên bố đã giành quyền kiểm soát một thị trấn sau hơn hai tháng đụng độ dữ dội với quân đội.

Cụ thể, AA tuyên bố đã "kiểm soát hoàn toàn" Pauktaw, một thị trấn 20.000 dân gần một cảng nước sâu quan trọng ở thủ phủ Sittwe của bang Rakhine thuộc phía tây Myanmar, theo AFP hôm nay 25.1.

Các thành viên AA đã chiếm giữ Pauktaw trong một thời gian ngắn vào tháng 11.2023, phá vỡ lệnh ngừng bắn mong manh phần lớn được duy trì kể từ cuộc chính biến vào năm 2021.

Myanmar bác tin xử tử các tướng đầu hàng phe nổi dậy

Kể từ đó, chính quyền quân sự Myanmar đã sử dụng pháo binh và tàu hải quân để bắn phá thị trấn gần như mỗi ngày và tấn công thị trấn bằng trực thăng, theo AFP dẫn lời một số người dân.

Những hình ảnh mới của Google Earth về Pauktaw cho thấy một khu vực ở trung tâm thị trấn gần như biến thành đống đổ nát và một số tòa nhà bị hư hại.

Nhóm nổi dậy chiếm một thị trấn sau cuộc đụng độ dữ dội với quân đội Myanmar?- Ảnh 1.

Người dân chạy trốn khỏi một ngôi làng sau cuộc giao tranh mới giữa quân đội Myanmar và Quân đội Arakan (AA) tại thị trấn Pauktaw ở phía tây bang Rakhine ngày 19.11.2023

AFP

AFP cho hay không thể xác nhận tuyên bố mới của AA và hiện chưa có thông tin về phản ứng của chính quyền quân sự Myanmar. Hôm 23.1, chính quyền quân sự Myanmar cho hay các cuộc đụng độ "dữ dội" đang diễn ra trong thị trấn nhưng không cung cấp thông tin thêm kể từ đó.

Cũng trong tuyên bố ngày 24.1, AA nói rằng các cuộc đụng độ "dữ dội" đang diễn ra tại các thị trấn Mrauk-U, Minbya, Kyauktaw và Rathedaung thuộc Rakhine mà không đưa ra thông tin chi tiết.

AA đã đấu tranh trong nhiều năm để tìm kiếm quyền tự chủ nhiều hơn cho người dân tộc Rakhine trong bang. Đây là một trong hàng chục nhóm vũ trang dân tộc thiểu số đã chiến đấu chống lại quân đội Myanmar kể từ khi nước này giành được độc lập từ Anh vào năm 1948.

Trong đó, một số nhóm muốn có quyền tự chủ lớn hơn, trong khi những nhóm khác chỉ muốn có quyền điều hành hoạt động buôn bán ngọc bích, ma túy và gỗ trên lãnh thổ của họ, theo AFP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.