Những điều mất từ lạm thu

01/10/2022 06:14 GMT+7

Có những vấn đề của giáo dục gây bức xúc năm nào cũng diễn ra nhưng xem chừng chưa tìm ra cách giải quyết triệt để. Lạm thu là một trong những trăn trở không chỉ với phụ huynh mà cả chính giáo viên.

Vừa mới đây, hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM viết tâm thư gửi phụ huynh giải thích, xin lỗi về những khoản thu, cách thu gây hiểu lầm, khó khăn cho phụ huynh khi tính ra mỗi phụ huynh ngay đầu năm học đóng trên 6 triệu đồng/người các loại phí ngoài học phí. Đồng thời, hiệu trưởng này cũng xin dừng nhận khoản tài trợ yêu cầu phụ huynh đóng cho nhà trường.

Trước đó, khi Thanh Niên có loạt bài phản ánh một số trường học thu quỹ phụ huynh trường, lớp đầu năm lên đến tiền tỉ, trong đó có khoản trái quy định với Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT thì có lãnh đạo trường phản ứng cho rằng nhà trường không can thiệp vào các hoạt động thu chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh cấp trường cũng như từng lớp học…

Lãnh đạo các trường không thể không biết những khoản thu sai quy định nhưng phần lớn là “lơ” hoặc đẩy về Ban đại diện cha mẹ học sinh. Chỉ đến khi có phụ huynh phản ứng mới cho rằng nhà trường không can thiệp hoặc không ép buộc, đây là sự kêu gọi tự nguyện… Nhưng nếu là phụ huynh học sinh, từng tham dự các cuộc họp, ai cũng sẽ hiểu thế nào là “tự nguyện” khi phần lớn các phụ huynh “có tiếng nói” đều đồng tình thì những người còn lại khó mà làm khác được.

Để tránh tình trạng lạm thu diễn ra hằng năm, có ý kiến đề xuất bỏ quỹ phụ huynh học sinh cấp trường và cấp lớp. Không thu quỹ thì sẽ không có tình trạng vi phạm vào những khoản không được thu. Một số trường, ngay từ đầu năm học này đã thông báo phụ huynh không được đóng quỹ lớp, không đóng quỹ khuyến học, không đóng quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Chủ trương này được nhiều phụ huynh đồng tình, nhà trường nhẹ trách nhiệm, giáo viên hoàn toàn thoải mái trong các cuộc họp phụ huynh…

Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng không có quỹ thì sẽ giải quyết sao đây trong trường hợp nếu muốn thay một tấm màn cửa đã cũ, thêm một bóng đèn, gắn máy lạnh cho học sinh trong lớp đó học thoải mái…? Thật ra, đây là câu chuyện của từng lớp với những yêu cầu khác nhau và được giải quyết trong nội bộ của lớp học đó. Lúc bấy giờ sẽ có sự trao đổi, bàn bạc đi đến đồng thuận của các phụ huynh trong lớp với sự tự nguyện thật sự. Muốn tự nguyện thì không thể đưa ra một mức thu nhất định mà tùy hoàn cảnh, điều kiện của từng người sẽ đóng góp khác nhau. Hình thức thu cũng cần tế nhị, kín đáo để các phụ huynh không cảm thấy bị tổn thương trước các khoản đóng góp. Những ai không góp của thì có thể góp công để thực hiện “công trình” của lớp…

Những đóng góp của phụ huynh cho ngôi trường, nơi con mình học tập, là cần thiết và rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, sự đóng góp đó không nên “chia đều” và gọi với mỹ từ “tự nguyện”. Đóng góp của phụ huynh cũng nên được hiểu rộng không chỉ giới hạn ở tiền của mà còn bằng nhiều hành động khác nhằm mang lại niềm vui, sự thoải mái cho học sinh.

Lạm thu không chỉ làm xấu đi hình ảnh giáo dục mà còn khiến mối quan hệ giữa phụ huynh, nhà trường, thầy cô mất đi những giá trị cần gìn giữ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.