Sinh viên ám ảnh tuyến xe buýt số 10: Đừng để hành khách bị... hành xác

01/03/2023 06:00 GMT+7

Trước những bất tiện khi đi tuyến xe buýt số 10, nhiều sinh viên mong muốn tuyến xe này sẽ có sự thay đổi theo hướng hiện đại, tiện lợi, thoải mái hơn để hành khách không còn cảm giác bị… hành xác.

TỪ CHỐI ĐI XE BUÝT SỐ 10

Trần Nguyễn Yến Nhi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, bắt đầu chuyển sang đi tuyến xe buýt số 8 từ giữa năm 2. Dù sáng phải dậy sớm hơn, mỗi lần đi và về cô phải đi thêm một bến nữa nhưng nếu lựa chọn thì Nhi vẫn đi xe số 8, trường hợp bất khả kháng lắm mới chọn đi lại tuyến số 10.

Cần phải thay đổi xe buýt số 10

"Buổi sáng, mình sẽ nhờ ba đưa ra bến vì chỗ đó cách nhà khá xa và mỗi lần đi học về, mình phải bắt thêm một tuyến xe buýt nữa để về được nhà. Mình ưu tiên đi xe số 8 hơn vì lên xe có thể ngủ được tí và mình cảm thấy rất thoải mái vì xe có máy lạnh tốt và khoảng cách giãn chuyến cũng ngắn hơn so với xe số 10", nữ sinh này bày tỏ.

Sinh viên ám ảnh tuyến xe buýt số 10: Đừng để hành khách bị... hành xác  - Ảnh 1.

Hành khách mong muốn xe buýt số 10 sẽ được nâng cấp hiện đại giống các tuyến xe khác

Phúc Kha

Dù đã lựa chọn thay đổi từ tuyến xe số 10 sang tuyến xe số 8 để đi từ nhà đến trường ở làng đại học Thủ Đức do không chịu nổi sự mệt mỏi vì ghế ngồi của xe cũ kỹ, chạy xóc và chậm, nhưng Trương Thị Mỹ Huyền, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, vẫn cảm thấy nhiều bất tiện.

"Ngày nào cũng di chuyển trên xe số 10 như thế nên mình chịu không nổi, buộc phải chuyển sang đi xe số 8 nhưng phải di chuyển xa hơn. Trạm bắt xe số 10 cách nhà mình có 500 m, còn xe số 8 lại cách nhà đến 2 km. Vì thế, mỗi sáng mình phải nhờ gia đình đưa ra trạm xe, khi đi học về lại phải nhờ người thân ra đón", Mỹ Huyền than thở.

Từ chối đi xe buýt số 10 sau 3 lần trải nghiệm thực tế, Trần Hoàng Thái, sinh viên ĐH Công nghệ TP.HCM, buộc phải tìm hiểu một cách di chuyển khác ra Bến xe Miền Tây. Ở lộ trình mới, Thái bắt xe từ bến xe buýt ĐH Quốc gia ra trạm xe buýt Suối Tiên

(TP.Thủ Đức) rồi bắt tiếp xe buýt số 150 để di chuyển đến gần ngã tư Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh), và tiếp tục với tuyến xe số 14 di chuyển ra Bến xe Miền Tây.

"Dù lộ trình này không giúp mình tiết kiệm được thời gian hơn so với khi đi xe buýt số 10 nhưng mình cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn và mình chấp nhận đi xa, tốn thêm chút chi phí để không bị hành xác mỗi khi di chuyển ra bến xe về nhà", nam sinh này bộc bạch.

Sinh viên ám ảnh tuyến xe buýt số 10: Đừng để hành khách bị... hành xác  - Ảnh 2.

SẼ ĐƯỢC THAY MỚI ?

Trước những phản ánh của hành khách, ông Hà Lê Ân, Phó giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM, cho biết xe buýt tuyến số 10 được đầu tư và đưa vào hoạt động từ năm 2004. Tuyến này được đơn vị vận tải bảo trì và kiểm định chất lượng hằng năm để hoạt động. Trung tâm thường xuyên kiểm tra yêu cầu sửa chữa những hư hỏng (nếu có) các tuyến xe buýt, trong đó có tuyến số 10 này.

"Hằng tháng, Trung tâm ban hành kế hoạch kiểm tra các tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố, trong đó có các xe buýt tuyến số 10. Qua công tác kiểm tra, giấy chứng nhận kiểm định các xe buýt hoạt động trên tuyến xe buýt số 10 đều còn hạn và đủ điều kiện hoạt động. Đối với các xe buýt trầy xước, bong tróc, Trung tâm làm việc với đơn vị vận tải yêu cầu sửa chữa để cải thiện chất lượng phương tiện", ông Ân nói.

Phải thay đổi tuyến xe số 10

"Nếu có một sự thay đổi thì mình muốn xe buýt số 10 giống với những xe buýt hiện đại như số 8, 150, 33… Chỉ cần đừng có cũ như thế này nữa là được. Khi xe buýt đã xuống cấp trầm trọng sẽ khiến chất lượng dịch vụ xe buýt chưa được đáp ứng đầy đủ thì sinh viên di chuyển đi học hằng ngày chưa thể yên tâm", Trần Duy Khang, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, bày tỏ.

Tương tự, Nguyễn Hữu Linh, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, mong muốn tuyến xe số 10 sẽ được thay đổi, trang thiết bị sẽ được quan tâm và cải thiện như các tuyến xe khác để có thể mang lại chất lượng tốt nhất cho hành khách, đặc biệt là sinh viên vì sẽ gặp nhiều bất tiện khi đi học và mỗi lần về quê.

Ông Ân cũng cho biết từ năm 2021 đến nay, việc đầu tư đổi mới phương tiện được thực hiện thông qua công tác đấu thầu lựa chọn đơn vị vận tải. Cụ thể, năm 2021 đã triển khai đấu thầu thành công 6 tuyến xe buýt có trợ giá, đưa vào hoạt động 73 xe mới. Trong năm 2022 đã đưa vào hoạt động thêm 107 xe mới trên 6 tuyến không trợ giá và 1 tuyến có trợ giá (17 xe buýt điện).

"Năm 2023, Trung tâm đã đưa vào kế hoạch ưu tiên đấu thầu tuyến xe buýt số 10, sau khi có kết quả trúng thầu đưa vào hoạt động, tuyến xe buýt số 10 sẽ được thay phương tiện mới tốt hơn phương tiện đang khai thác", ông Ân nói.

Trả lời thắc mắc của phóng viên Báo Thanh Niên về tình trạng xe buýt số 10 chạy chậm khi xuất phát ở bến xe ĐH Quốc gia TP.HCM, ông Ân cho biết theo ghi nhận của Trung tâm, lộ trình từ điểm bắt đầu tuyến (bến xe buýt ĐH Quốc gia, bến A) đến trạm xe buýt 621 khoảng 1,3 km, đoạn đường này xe buýt chạy theo tổ chức giao thông của Khu đô thị ĐH Quốc gia.

Cũng theo ông Ân, tại đây có nhiều khu vực đường hẹp, khu vực giao nhau của nhiều tuyến xe buýt xuất phát từ 2 bến xe buýt ĐH Quốc gia (bến A và bến B), nơi tập trung nhiều trường đại học ở khu vực lân cận, mật độ giao thông cao, nhất là lúc cao điểm sinh viên đến lớp và ra về. Do vậy, xe buýt khi lưu thông qua khu vực này có tốc độ chậm hơn bình thường để đảm bảo an toàn giao thông.

"Nếu có tình huống một số xe buýt cố tình lưu thông chậm, dừng đỗ quá thời gian quy định, Trung tâm sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trên để không ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách", ông Ân nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.