Người trẻ "giữ lửa" văn hóa vùng cao

Sống lại những màn đấu cồng chiêng

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
12/10/2023 07:04 GMT+7

Có lẽ hiếm có nơi nào trên cả nước như Thượng Long (H.Nam Đông, Thừa Thiên-Huế) khi cả xã có 374 hộ dân thì có đến 500 chiếc cồng chiêng. Càng đặc biệt hơn khi địa phương này có những người đứng lớp dạy đánh cồng chiêng khi tuổi đời chỉ mới ngoài 30.

Thầy đông dạy đánh chiêng

Theo lời hướng dẫn của ông Lê Nhữ Sửu, Trưởng phòng VH-TT H.Nam Đông, tôi tìm đến Nhà văn hóa xã Thượng Long để gặp gỡ những chàng trai Cơ Tu được giới thiệu là "dù trẻ người nhưng kinh nghiệm đánh cồng chiêng thì cao như núi Mang" (ngọn núi cao nhất huyện). Từ xa, tôi đã nghe những thanh âm trầm ấm vang lên từ chiếc chiêng và chiếc thanh la (người Cơ Tu thường gọi tắt là chiêng la) trên tay 2 người đàn ông. "Thầy Đông đang giao lưu chiêng la với anh Arất A Hinh đấy. Đông mới 33 tuổi thôi nhưng là người dạy đánh cồng chiêng rất giỏi của xã nên ai cũng gọi anh là thầy cả…", ông Tà Rương Mão, cán bộ văn hóa xã Thượng Long, cười tươi.

Sống lại những màn đấu cồng chiêng - Ảnh 1.

Xuất hiện những màn đấu cồng chiêng cho thấy công tác bảo tồn môn nghệ thuật này có nhiều dấu hiệu tốt

HOÀNG SƠN

Ở Nam Đông, người chơi cồng chiêng giỏi không thiếu nhưng vừa trẻ lại vừa có kỹ năng sư phạm như anh Đoàn Văn Đông (trú tại thôn 3, xã Thượng Long) chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Gia đình anh có truyền thống về âm nhạc. Anh trai giỏi đàn, sáo còn Đông xuất sắc về bộ gõ. Năm 25 tuổi, khi tới dự các lễ hội trong huyện, nhận thấy người đánh cồng chiêng phần nhiều là các cụ ông, anh tự hỏi: tại sao người già như vậy lại mang những chiếc cồng chiêng nặng nề, đã thế trong quá trình biểu diễn lại phải vừa đi vừa nhảy múa? "Trong những cuộc hội hè truyền thống có cồng chiêng, thế hệ trẻ ở đâu mà để người già phải đánh. Có phải đánh cồng chiêng quá khó nên không ai theo học? Tôi tự hỏi rồi mày mò, tìm hiểu…", anh Đông kể.

Nhờ năng khiếu thiên bẩm nên chỉ một năm "tầm sư" học đánh, anh Đông đã thành thạo tất cả 7 bộ tiết tấu cồng chiêng truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Khoác lên vai phải sợi dây buộc chiếc thanh la rồi dùng bàn tay úp vào bề mặt, tay trái anh cầm dùi đánh mạnh. Âm thanh bằng đồng vang lên nghe đanh tay, đoạn anh dùng bàn tay tì nhẹ lên mặt thanh la, nói: "Tất cả tiết tấu đều phụ thuộc vào sự khéo léo và nhuần nhuyễn của bàn tay phải. Ngoài tiết tấu phải chuẩn, chỉnh âm nghe sao cho vui tai hay có khi trầm buồn đều phụ thuộc vào đôi tai tinh tế và sự linh hoạt của bàn tay phải. Khi tiếng cồng chiêng vang lên, người ta sẽ biết ngay kỹ năng của người đánh".

Không phải ngẫu nhiên mà trong suốt nhiều năm liền, anh Đông được H.Nam Đông cử tham gia các đoàn biểu diễn văn nghệ, tham dự các lễ hội dân tộc thiểu số được tổ chức từ Hà Nội, Thừa Thiên-HuếĐà Nẵng, TP.HCM… Đó là cả quá trình anh miệt mài học hỏi, rèn luyện bằng niềm đam mê cồng chiêng cháy bỏng. "Với mình, cồng chiêng chẳng khác chi cơm ăn, nước uống hằng ngày vậy. Đi làm về mệt mỏi, mình lại xách cồng chiêng ra đánh, khuây khỏa vô cùng…", anh Đông nói.

Rộn ràng màn đấu cồng chiêng

Anh Đông không nhớ mình đã truyền dạy cho bao nhiêu người học đánh cồng chiêng. Chỉ nhớ lần gần đây nhất là vào tháng 6.2022, cũng ngay tại Nhà văn hóa xã Thượng Long, anh trực tiếp đứng lớp hướng dẫn cho khoảng 30 học viên. Trong vòng 1 tháng, cứ vào lúc 19 giờ 30 - 22 giờ mỗi tối, thầy Đông lại lên lớp cầm tay chỉ bảo các học trò gõ từng nhịp cồng chiêng. Anh cho biết học đánh cồng chiêng không khó nhưng đòi hỏi phải chăm chỉ, cần cù bù khả năng. Những bài học về tiết tấu cũng sẵn theo khuôn mẫu có từ xa xưa. Chẳng hạn, đánh chiêng, thanh la cho những dịp vui vẻ như biểu diễn văn nghệ, lễ cúng hiến sinh heo, trâu, lễ mừng bắt được thú rừng… Còn cồng chỉ đánh trong những dịp trọng đại như lễ đâm trâu, cúng mừng lúa mới hoặc ma chay.

Anh Arất A Hinh tỏ ra rất thán phục trước tài nghệ của anh Đông sau màn giao lưu chiêng la. Anh Hinh bảo từ lớp học của "thầy Đông" mà tại xã Thượng Long ngày càng có nhiều thanh niên biết chơi cồng chiêng. Điều thú vị là giờ đây, chiêng la không chỉ được đưa ra đánh trong các dịp lễ hội nữa mà trong những ngày thường, trai tráng các làng đã mang ra thi thố rộn ràng.

"Ngày xưa, đồng bào Cơ Tu sinh sống rải rác ở các ngọn núi, nhờ tiếng chiêng la vang xa mà đã có những cuộc so kè rất vui. Sau thời gian dài vắng tiếng, nay chiêng la đã trở lại qua những cuộc thi thố như thế. Sau giờ lên nương, lên rừng, những người trẻ trở về nhà vào buổi trưa thường mang chiêng la ra đánh. Ở làng này vừa lặng tiếng thì ở làng kia tiếng chiêng la lại nổi lên, trở thành cuộc thi rất thú vị. Người am hiểu sẽ biết chiêng la làng nào hay hơn, người nào đánh giỏi hơn. Người không biết thì cố gắng học để thưởng thức. Ở xã Thượng Long hình thành nét văn hóa cồng chiêng rất độc đáo…", ông Tà Rương Mão tiếp lời.

Theo lời ông Mão, phong tục người Cơ Tu không mượn cồng, chiêng, thanh la khi trong làng, trong dòng họ… có người chết. Mỗi làng có một bộ cồng, chiêng la. Bao nhiêu dòng họ sẽ có bấy nhiêu bộ cồng, chiêng la. Đa số các hộ gia đình cũng có riêng một bộ. Chính vậy mà dù chỉ 374 hộ dân nhưng Thượng Long có đến 500 chiếc cồng, chiêng la… "Gần như gia đình nào cũng sắm một bộ cồng, chiêng la. Sẵn có như thế nên bọn trẻ giờ tự học rất nhiều. Như con trai mình 15 tuổi cũng đã biết đánh cồng chiêng rồi đấy…", "thầy Đông" không giấu được niềm tự hào. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.