Sóng nhiệt kỷ lục thiêu đốt Nam Âu

Văn Khoa
Văn Khoa
15/07/2023 08:00 GMT+7

Nam Âu đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt với cảnh báo nhiệt độ có thể đạt mức cao chưa từng thấy vào tuần tới.

Cảnh báo thời tiết cực đoan đã được đưa ra trên khắp quần đảo Canary của Tây Ban Nha, Ý, Síp và Hy Lạp, nhiệt độ một số nơi được dự báo lên tới 43 - 44 độ C trong ngày 14 hoặc 15.7.

Sóng nhiệt kỷ lục thiêu đốt Nam Âu - Ảnh 1.

Một du khách được giúp đỡ khi ngất xỉu giữa nắng nóng ở Rome (Ý) ngày 11.7

AFP

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), với các vệ tinh theo dõi nhiệt độ trên đất liền và trên biển, cảnh báo: "Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Ba Lan đều đang đối mặt đợt sóng nhiệt nghiêm trọng với nhiệt độ dự kiến lên tới 48 độ C trên các đảo Sicily và Sardinia (Ý), có khả năng là nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở châu Âu".

Hình ảnh được chụp bởi các vệ tinh Sentinel 3 của ESA đã đo nhiệt độ bề mặt đất ở mức hơn 60 độ C tại khu vực Extremadura phía tây Tây Ban Nha trong ngày 11.7. "Tuần tới sẽ có một đợt sóng nhiệt thậm chí còn mạnh hơn đợt này", Reuters dẫn lời nhà khí tượng học Luca Lombroso ở Ý dự báo.

Sóng nhiệt châu Âu đang nguy hiểm đến mức nào?

CẢNH BÁO ĐỎ

Một người đàn ông 44 tuổi đã ngã quỵ tử vong trong tuần này lúc đang sơn vạch kẻ đường ở thị trấn Lodi phía bắc nước Ý. "Nhiệt độ cao là kẻ giết người thầm lặng. Vì vậy, đây là mối lo ngại chính khiến cuộc sống con người gặp rủi ro", nhà khoa học khí hậu Hannah Cloke tại Đại học Reading (Anh) lên tiếng.

Hồi chuông cảnh tỉnh

Chuyên gia Simone Tagliapietra thuộc tổ chức nghiên cứu Bruegel (Bỉ) nhận định: "Tần suất gia tăng của các đợt sóng nhiệt cực độ và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác sẽ là hồi chuông cảnh báo cho các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu, cũng như ở phần còn lại của thế giới, về tính cấp bách phải đẩy nhanh hành động chống biến đổi khí hậu", theo Đài CNBC.

Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới Petteri Taalas cũng cảnh báo thời tiết cực đoan do khí hậu nóng lên đang dần trở thành trạng thái "bình thường mới" và đợt nắng nóng hiện nay cho thấy cần gấp rút giảm khí thải nhà kính. Thực tế, không chỉ ở châu Âu mà Trung Quốc, Mỹ cũng như Bắc Phi đang bị bao trùm bởi nắng nóng kỷ lục và thời tiết cực đoan. Tháng 6 vừa qua được ghi nhận là tháng 6 nóng nhất lịch sử và nhiều dự báo cho thấy tháng 7 này sẽ còn nóng hơn nữa, theo AP.

Chính phủ và các bên sử dụng lao động ở châu Âu đang chịu áp lực phải có hành động cụ thể hơn để bảo vệ những người lao động tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như lửa đốt trong đợt nắng nóng mới nhất. Giới chức y tế đã đưa ra cảnh báo đỏ cho 10 thành phố của Ý trong hai ngày 14 và 15.7; trong đó có Rome, Florence, Bologna và Perugia.

Tại Hy Lạp, chính phủ đã ra lệnh dừng làm việc từ 12 - 17 giờ ở những khu vực có nguy cơ nắng nóng rất cao, đồng thời yêu cầu nhân viên khu vực tư nhân có tình trạng sức khỏe không tốt làm việc từ xa. Ngoài ra, nhà chức trách đặt xe cứu thương túc trực gần thành cổ Acropolis ở Athens, sẵn sàng sơ cứu cho những du khách bị ảnh hưởng trong đợt nắng nóng gay gắt hiện nay.

Tác phẩm trưng bày "kinh dị" trăn nuốt chuột lang cũng sợ trời nóng

NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI

Những cảnh báo và biện pháp trên được đưa ra sau khi một nghiên cứu mới đây được công bố trên chuyên san Nature Medicine cho thấy tác động của nắng nóng khắc nghiệt ở châu Âu. Nghiên cứu ước tính hơn 61.600 người đã chết vì các nguyên nhân liên quan nắng nóng ở 35 quốc gia châu Âu từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 9.2022, trong mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận ở châu lục này. Nhiệt độ quá cao có thể cướp đi sinh mạng của con người vì gây say nắng, hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh lý về tim mạch và hô hấp, theo AFP.

Nhiều nước châu Âu đã đưa ra các kế hoạch quốc gia đối phó nhiệt độ khắc nghiệt sau khi có hơn 70.000 người chết liên quan một trong những đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất trong lịch sử châu Âu vào năm 2003, như thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm và mở nhiều không gian xanh làm mát ở các thành phố. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng số người chết cao trong năm ngoái cho thấy chiến lược này đã không đáp ứng được kỳ vọng và cần được củng cố khẩn cấp, theo AFP.

61.000 người tử vong trong đợt nắng nóng kỷ lục tại châu Âu

Nghiên cứu mới ước tính nếu không thực hiện biện pháp để bảo vệ con người trước tình trạng tăng nhiệt độ, đến năm 2030, trung bình mỗi mùa hè, châu Âu sẽ phải đối mặt với hơn 68.000 ca tử vong liên quan sóng nhiệt. Các nhà nghiên cứu còn ước tính đến năm 2040, trung bình sẽ có hơn 94.000 ca tử vong liên quan nhiệt, và đến năm 2050 con số này có thể tăng lên hơn 120.000. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.