Tất tần tật về 4 sân vận động SEA Games 32 của chủ nhà Campuchia

Tất tần tật về 4 sân vận động SEA Games 32 của chủ nhà Campuchia

18/04/2023 07:01 GMT+7

Hai nội dung bóng đá nam và bóng đá nữ ở SEA Games 32 được nước chủ nhà Campuchia tổ chức trên 4 sân vận động đều thuộc thủ đô Phnom Penh. Điều này sẽ giúp các đội tuyển tham dự và người hâm mộ thuận lợi trong khâu di chuyển.

4 sân đấu phục vụ cho môn bóng đá SEA Games 32 gồm có: sân vận động Quốc gia Morodok Techo (sức chứa 60.000 chỗ ngồi), sân vận động Olympic (30.000 chỗ ngồi), sân vận động quân đội Hoàng gia Campuchia (20.000 chỗ ngồi) và sân vận động Hoàng tử (15.000 chỗ ngồi).

Sân vận động Quốc gia Morodok Techo

Theo Khmer Times, sân Morodok Techo nằm ở ngoại ô Thủ đô Phnom Penh. Công trình này được xây dựng bởi Tổng Công ty Xây dựng Quốc gia Trung Quốc (CSCEC) dưới sự viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc, với chi phí xây dựng 1,1 tỉ nhân dân tệ (tương đương 160 triệu USD).

Dự án bắt đầu vào tháng 8.2017, hoàn thành vào tháng 8.2021 và được bàn giao cho Campuchia. Sân vận động này nằm trong Khu liên hợp thể thao Quốc gia Morodok Techo rộng 85 hecta, được xây dựng với công nghệ tiên tiến và vật liệu xây dựng chất lượng cao.

Tất tần tật về 4 sân vận động SEA Games 32 của chủ nhà Campuchia

Công trình cao 39,9 mét được xây dựng theo hình dạng của một "chiếc thuyền buồm", trong đó có hai cấu trúc mũi nhọn cao 99 mét và nó được bao quanh bởi một con hào theo phong cách Angkor cổ đại, được thiết kế mô phỏng cử chỉ "Sampeah", nghĩa là đặt cả hai lòng bàn tay vào nhau theo kiểu cầu nguyện như một lời chào hoặc một cách thể hiện sự tôn trọng ở Campuchia.

Trước khi được dùng để đăng cai SEA Games 2023, Campuchia đã dùng sân Morodok Techo cho đội tuyển quốc gia thi đấu ở AFF Cup 2022. Còn ở cấp độ đội tuyển U.23, sân vận động này là nơi tổ chức hầu hết các trận đấu của giải U.23 Đông Nam Á 2022.

Tất tần tật về 4 sân vận động SEA Games 32 của chủ nhà Campuchia - Ảnh 1.

Sân Morodok Techo từng đăng cai giải U.23 Đông Nam Á 2023

LFF

Sân vận động Olympic

Sân Olympic chính là sân vận động Quốc gia cũ của Campuchia, được đội tuyển U.23 và đội tuyển quốc gia nước này chọn để tổ chức các trận đấu quốc tế thời điểm trước năm 2020.

Vào năm 2019, sân Olympic với mặt cỏ nhân tạo là địa điểm tổ chức toàn bộ các trận đấu của giải U.23 Đông Nam Á 2019. Xa hơn trong quá khứ, sân vận động này là nơi tổ chức trận play-off liên lục địa của World Cup 1966, giữa đội tuyển CHDCND Triều Tiên và đội tuyển Úc.

Vì phần lớn thời gian trong quá khứ, sân Olympic đều sử dụng mặt cỏ nhân tạo, nên Liên đoàn Bóng đá Campuchia (CPL) đã mời Shoji Ikeda – một chuyên gia giàu kinh nghiệm về mặt cỏ thi đấu, cùng đội ngũ chuyên sâu từ Nhật Bản về giám sát quá trình thay cỏ của sân, nhằm nâng chất lượng sân thi đấu lên tiêu chuẩn cao hơn. Hiện tại, quá trình thay thế mặt cỏ sân Olympic đang được gấp rút tiến hành.

Sân vận động quân đội Hoàng gia Campuchia

Sân vận động này còn có tên gọi ngắn gọn là sân RCAF, viết tắt theo cụm từ Royal Cambodia Armed Forces. Sân được xây dựng vào thập niên 20 của thế kỷ trước, có sức chứa 8.000 chỗ ngồi và tối đa 20.000 sau khi nâng cấp để tổ chức SEA Games 32. Sân RCAF là sân nhà của CLB Bộ Quốc phòng tại giải VĐQG Campuchia. Trong quá khứ, đội tuyển quốc gia Campuchia có 4 lần thi đấu quốc tế tại sân vận động này, trong đó có 3 lần vào năm 2001 và 1 lần vào năm 2015.

Sân vận động Hoàng tử

Sân vận động Hoàng tử là sân nhà của CLB Visakha tại giải VĐQG Campuchia, hay còn có tên gọi khác là sân Visakha. Sân có sức chứa 10.000 chỗ ngồi và tối đa là 15.000 sau khi nâng cấp để phục vụ SEA Games. Sân Hoàng tử được hoàn tất xây dựng vào năm 2016 và hầu như được sử dụng để tổ chức các trận đấu sân nhà của CLB Visakha.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.