Thoại Ngọc Hầu qua những phát hiện mới: Thoại Ngọc Hầu và... Tô Đông Pha

07/07/2023 07:12 GMT+7

Những tư liệu mới phát hiện còn cho phép kết luận rằng Thoại Ngọc Hầu là một người có khả năng biên soạn các văn kiện bằng Hán văn. Bằng chứng về trình độ Hán học của Thoại Ngọc Hầu hóa ra lại không đến từ miền Nam, mà từ một làng quê Bắc bộ.

Hương lệ tự - Một tuyên ngôn của Thoại Ngọc Hầu

Thôn Mậu Lương nằm bên dòng sông Nhuệ, ngày xưa thuộc H.Thanh Oai, nay thuộc P.Kiến Hưng, Q.Hà Đông, thủ đô Hà Nội. Thanh Oai là nơi có truyền thống khoa bảng từ xưa. Đầu năm Gia Long thứ hai (1803), dân chúng thôn Mậu Lương họp nhau đặt ra lệ làng. Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại bấy giờ đang làm Trấn thủ Lạng Sơn, đã đề tựa cho thôn lệ của thôn Mậu Lương.

Thoại Ngọc Hầu qua những phát hiện mới: Thoại Ngọc Hầu và... Tô Đông Pha  - Ảnh 1.

Mảnh bia Châu Đốc tân lộ… trưng bày ở núi Sam

T.HOÀNG VŨ

Sách Mậu Lương thôn lệ vẫn còn chép lại bài tựa do Thoại Ngọc Hầu đề cho sách ấy. Dòng lạc khoản của bài tựa đề: "Năm Gia Long thứ hai (1803), tháng giêng, ngày mồng 10, Khâm sai Chưởng Lạng Sơn trấn Tổng trấn Trung Túc Nguyễn thị Thoại Ngọc Hầu kính viết bài tựa". Bài tựa có tiêu đề Hương lệ tự. Đó không chỉ là một bài tựa sách, mà còn là một tuyên ngôn về quan điểm thượng tôn pháp luật của Thoại Ngọc Hầu. Bài tựa viết:

"Cổ ngữ nói: Đọc sách vạn quyển mà không đọc luật, khiến vua thành Nghiêu Thuấn, thì cuối cùng cũng là vô học". Kẻ trị quốc, bình thiên hạ thì không thể bỏ thiếu luật lệ, cũng vì cớ ấy mà thôi.

Vốn luật lệ là thứ để khuyên điều thiện, trừng điều ác. Các điều mục phải rất là đầy đủ, khiến người người đều thoát khỏi hình phạt, vào trong giáo hóa, thực hòa vào trong hòa khí gió xuân. Đấy là lòng nhân ái nước nhà, chẳng phải vốn muốn lập luật lệ để trói dân bằng pháp luật vậy.

Nước đã có luật, làng lại có lệ, cái lý của chúng chẳng tương thông sao? Xét ra nếu triều đình dễ dãi, nếu hương đảng khó khăn; nếu dễ thì lấy gì lo việc công, nếu khó thì lấy gì lo việc tư. Nếu riêng tư thì cha anh tông tộc phải thế nào? Nếu như để cha anh tông tộc không biết luật lệ mà vượt ra ngoài vòng hình pháp, chi bằng khiến cha anh tông tộc đều biết luật lệ mà được an nhàn phòng bị trong vòng hình pháp. Thế thì luật lệ không thể không đặt ra, đã rõ ràng rồi".

Như vậy, theo Thoại Ngọc Hầu, luật pháp chính là yếu tố quan trọng của một nền chính trị tốt đẹp. Dùng luật lệ để khuyên điều thiện, răn điều ác, chứ không phải đặt ra luật lệ để bẫy dân chúng. Để hỗ trợ cho luật nước, còn phải có lệ làng. Luật lệ đặt ra vừa là vì việc công, vừa là vì việc tư. Đó cũng là công cụ bảo vệ người thân của mình tránh vi phạm pháp luật. Mục đích biên soạn hương lệ là "để cho người đời nhìn thấy tập sách này đều biết làm thiện ắt sẽ được thưởng, làm ác ắt sẽ bị trị, thì thói kiêu ngoa rửa sạch, điều trung hậu thành phong tục, làng xóm được vinh danh, không để riêng cái đẹp "lý nhân" cho người xưa vậy".

Hương lệ tự là văn bản văn học hiếm hoi được xác nhận thuộc quyền tác giả của Thoại Ngọc Hầu. Nó chứng minh rằng Thoại Ngọc Hầu có khả năng biên soạn những văn bản chữ Hán mang ít nhiều tính bác học. Tác phẩm này còn hé lộ cho ta biết nhiều điều về học vấn của Thoại Ngọc Hầu.

Thoại Ngọc Hầu qua những phát hiện mới: Thoại Ngọc Hầu và... Tô Đông Pha  - Ảnh 2.

Một trang bài Hương lệ tự do Thoại Ngọc Hầu soạn

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Thoại Ngọc Hầu với Tô Đông Pha

Trong Hương lệ tự, Thoại Ngọc Hầu đã dẫn điển tích "Lý nhân vi mỹ" của Luận ngữ, đồng thời lặp lại lời của Tống Lý Tông rằng: "Đứng đầu dân thì nên vỗ về câu thúc, khiến họ thường ở trong hòa khí gió xuân, không thể để cho họ sầu oán". Lời của Tống Lý Tông được chép trong Tục tư trị thông giám - một bộ sách không dễ kiếm trong bối cảnh miền Nam thời đó.

Thoại Ngọc Hầu không chỉ dẫn kinh, sử, mà còn dẫn cả thơ ca. Hai câu mở đầu Hương lệ tự chính là lời trong bài thơ Hí Tử Do của danh sĩ Tô Đông Pha thời Tống. Tô Đông Pha đùa em trai mình là Tô Triệt: "Độc sách vạn quyển bất độc luật, Trí quân Nghiêu Thuấn tri vô thuật" (Đọc vạn quyển sách nhưng không đọc luật, không có khả năng giúp vua thành Nghiêu Thuấn), nhưng đồng thời cũng ngầm khích lệ em trai.

Không chỉ cảm khái với lời nói của Tô Đông Pha, Thoại Ngọc Hầu còn học tập Tô Đông Pha trong hành động thực tiễn. Sau này, khi làm Án thủ đồn Châu Đốc, Thoại Ngọc Hầu thấy việc đi lại giữa đồn Châu Đốc và chân núi Sam khó khăn. Ông tự nhủ rằng: "Nhớ xưa Tô Đông Pha giữ đất Hàng Châu, gom rau phong, đắp bờ đê qua Tây Hồ ở xứ Hàng, nay còn lưu dấu. Huống chi một chốn đầm nước tại núi này há lại điềm nhiên mà để cho trở ngại hay sao?".

Từ ý nghĩ đó, công tác đắp đường núi Sam - Châu Đốc được ông xúc tiến. Con đường này đã trở thành xương sống cho sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng. Thoại Ngọc Hầu và Tô Đông Pha tuy sống khác thời, một văn một võ, nhưng đã có một mối quan hệ truyền cảm hứng vô cùng đặc biệt. 

(còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.