Thủ tướng Đức nối tiếp nỗ lực ngoại giao để hạ nhiệt khủng hoảng Ukraine

14/02/2022 14:31 GMT+7

Theo bước Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang thân chinh đến Kiev và Moscow trong nỗ lực ngoại giao nhằm tháo ngòi nguy cơ xung đột Nga-Ukraine.

Ông Scholz ngày 14.2 sẽ đến Kiev để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Một ngày sau đó, ông sẽ đến Moscow gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Reuters dẫn nguồn tin chính phủ Đức nhận định nước này không trông đợi kết quả cụ thể từ chuyến đi của Thủ tướng Scholz đến Moscow nhưng kỳ vọng sẽ nắm bắt được ý định của lãnh đạo Nga về việc tập trung quân lực gần biên giới Ukraine.

Nguồn tin nói rằng ông Scholz sẽ làm rõ với ông Putin về việc các đối tác phương Tây sẽ có quan điểm thống nhất rằng bất kỳ hành động tấn công nào của Nga cũng châm ngòi cho “lệnh cấm vận rất nặng nề”. Theo nguồn tin, ông Scholz sẽ thảo luận với ông Zelensky và ông Putin cách thúc đẩy thi hành thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm chấm dứt xung đột tại miền đông Ukraine.

Tổng thống Macron không muốn Nga xét nghiệm Covid-19 vì sợ lộ thông tin ADN

Nhiều nỗ lực ngoại giao vẫn đang được gấp rút tiến hành trong bối cảnh Mỹ cảnh báo Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố Washington sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin với thế giới nhằm ngăn chặn khả năng Moscow ngụy tạo một cái cớ để có thể tấn công, theo Reuters.

Trong khi đó, Nga vẫn bác bỏ cáo buộc về khả năng tấn công và cho rằng "sự hoang tưởng" của phương Tây đã lên đến đỉnh điểm.

Trước nguy cơ xảy ra chiến tranh ở Ukraine, nước láng giềng Ba Lan đang chuẩn bị “nhiều kịch bản" để sẵn sàng nếu làn sóng người tị nạn đổ vào nước này.

Về phía mình, Kiev hôm 13.2 cam kết khoản ngân sách gần 600 triệu USD để nỗ lực giữ cho không phận mở cửa đón các chuyến bay thương mại, trong lúc một số hãng hàng không đang xem xét lại các tuyến đường bay đến Ukraine.

Ngày 13.12, Israel cho biết đang sơ tán người thân của các nhân viên đại sứ quán nước này tại Kiev vì “tình hình trở nên trầm trọng hơn”. Úc và New Zealand cũng kêu gọi công dân rời Ukraine sớm nhất có thể. Trước đó, Anh, Nhật Bản, Latvia, Na Uy và Hà Lan cũng có động thái tương tự.

Canada hôm 12.2 đã đóng cửa đại sứ quán tại Kiev và đưa các nhân viên ngoại giao đến văn phòng tạm thời ở Lviv tại phía tây Ukraine. Trước đó Bộ Ngoại giao Mỹ cũng yêu cầu phần lớn nhân viên đại sứ quán rời Ukraine.

Ngày 12.2, Nga cho biết đã quyết định "tối ưu hóa" số lượng nhân viên ngoại giao ở Ukraine vì lo ngại "những hành động khiêu khích" của Kiev hoặc các nước khác.

Thủ tướng Úc chỉ trích Trung Quốc "im lặng lạnh lẽo" trước tình hình Ukraine
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.