Truyền 10 lọ thuốc giải độc cứu người đàn ông bị rắn cắn

Lê Cầm
Lê Cầm
28/06/2023 15:02 GMT+7

Người đàn ông ngụ ở Bà Rịa-Vũng Tàu lên núi để tìm ong lấy mật thì bị rắn cắn. Khi về đến nhà, người đàn ông này bắt đầu chóng mặt, khó thở, mệt mỏi, mắt mờ, yếu tứ chi.

Truyền 10 lọ huyết thanh giải độc cứu người bị rắn hổ chúa cắn

Vợ người đàn ông trên cho biết, ngày 26.6, chồng chị lên núi ở Bà Rịa-Vũng Tàu bắt ong lấy mật. Trên đường đi anh thấy rắn nên bắt thì bị nó cắn vào cổ tay trái. Sau khi bị rắn cắn, anh chỉ hơi đau, rồi mang con rắn về nhà.

Khi về đến nhà, anh bắt đầu chóng mặt, khó thở, mệt mỏi, mắt mờ, yếu tứ chi. Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa-Vũng Tàu trong tình trạng suy hô hấp, được xử trí đặt nội khí quản, sau đó chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Lên núi lấy mật, người đàn ông bị rắn hổ chúa cắn suýt tử vong - Ảnh 1.

Con rắn cắn bệnh nhân

BNCC

Ngày 28.6, bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Khánh, Phó khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng sụp mi, yếu tứ chi, được bóp bóng thở qua nội khí quản, sức cơ yếu chỉ có 0/5. Qua khai thác bệnh sử và thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn nhiễm độc thần kinh, liệt cơ.

Các bác sĩ hội chẩn quyết định sử dụng thuốc giải độc kháng nọc rắn. Sau liều đầu tiên với 5 lọ, sức cơ của bệnh nhân cải thiện từ 0/5 lên 1-1.5/5. Tuy nhiên vết cắn sưng nề từ vùng bàn tay lên cánh tay, vai lan đến 1/3 ngoài ngực trái, vẫn suy hô hấp, thở máy.

Bệnh nhân được đánh giá và dùng thêm 5 lọ thuốc giải độc kháng nọc rắn.

Lên núi lấy mật, người đàn ông bị rắn hổ chúa cắn suýt tử vong - Ảnh 2.

Bệnh nhân được điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy

N.H

"Đến sáng nay, tình trạng bệnh nhân tỉnh táo, cai được máy thở, được đánh giá để có thể rút nội khí quản, sức cơ bình thường, vết cắn vẫn còn sưng nề nhưng không lan thêm. Đánh giá chung về lâm sàng, hô hấp diễn tiến tốt, hiện nằm tại phòng hồi sức theo dõi tim mạch, rối loạn nhịp, nhiễm trùng nhiễm độc do nọc rắn gây ra", bác sĩ Khánh chia sẻ.

Bác sĩ Khánh khuyến cáo người dân không nên đánh bắt rắn. Trong trường hợp bị rắn cắn, không biết tình trạng nhiễm độc mà thấy vết cắn sưng nề nên khẩn cấp vào cơ sở y tế để có hướng điều trị phù hợp. Nếu bắt được con rắn nên mang vào bệnh viện để cơ sở y tế nhận diện. 

"Như trường hợp trên, khi người nhà mang rắn vào, chúng tôi nhận diện được là rắn hổ chúa nên sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn đa giá truyền ngay cho bệnh nhân kịp thời. Loại huyết thanh đa giá này được sử dụng cho bệnh nhân bị cắn bởi rắn hổ đất, rắn hổ chúa, rắn cạp nong và cạp nia. Không dùng cho trường hợp bị rắn hổ mèo cắn hay các loại rắn gây rối loạn đông máu", bác sĩ Khánh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.