Ukraine lo phương Tây đổi ý không chuyển giao chiến đấu cơ F-16

Ukraine lo phương Tây đổi ý không chuyển giao chiến đấu cơ F-16

La Vi
La Vi
03/09/2023 08:42 GMT+7

Theo tờ The New York Times, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang nỗ lực để phương Tây thực hiện thỏa thuận cung cấp máy bay chiến đấu F-16 càng sớm càng tốt.

Hôm 29.8, bài báo trích dẫn các nguồn tin cho biết Tổng thống Zelensky lo ngại rằng sự thay đổi chính trị ở các nước phương Tây có thể làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Ukraine và đặc biệt làm tiêu tan hy vọng của ông đối với F-16.

Theo các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ và Ukraine, Kyiv "cảm nhận được đồng hồ chính trị đang tích tắc" khi yêu cầu máy bay F-16 do Mỹ sản xuất. Báo cáo cho biết ông Zelensky rõ ràng muốn có càng nhiều F-16 càng tốt trước khi các cuộc bầu cử ở EU và Mỹ mang lại sự thay đổi quan điểm trong số các chính phủ đã hứa cung cấp máy bay.

Trả lời phỏng vấn Đài RTP (Bồ Đào Nha) hôm 31.8, Tổng thống Zelensky cho biết Kyiv đã đạt được thỏa thuận tiếp nhận từ 50-60 tiêm kích F-16 từ các đồng minh.

Tuy nhiên, ông cho biết Ukraine cần đến 160 chiếc F-16, không chỉ phục vụ cho chiến dịch phản công của Ukraine mà còn để bảo vệ thường dân và các hành lang nhân đạo ở biển Đen và biển Azov.

Theo RTP, ông Zelensky dự kiến phi đội tiêm kích F-16 đầu tiên sẽ được triển khai ở nước này vào đầu năm tới chứ không phải trong tương lai gần.

Liên minh quốc tế giúp Kyiv mua F-16 và đào tạo phi công Ukraine được Anh và Hà Lan công bố vào tháng 5, và hiện có tổng cộng 11 quốc gia ủng hộ nỗ lực này. Tuy nhiên, Ukraine dự kiến sẽ không nhận được máy bay chiến đấu này trước năm 2024.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra tín hiệu cho phép Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan gửi F-16 tới Ukraine. Tuy nhiên, The New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết trong trường hợp nước Mỹ có một tổng thống mới sau cuộc bầu cử năm 2024 và đến thời điểm người này nhận chức mà việc chuyển giao chưa hoàn tất thì vẫn còn có thể thay đổi.

Một cựu quan chức Mỹ khác cho rằng ông Zelensky cũng muốn đảm bảo việc chuyển giao trong trường hợp tiến độ phản công chậm chạp làm xói mòn sự ủng hộ của các đồng minh.

Đồng minh lo lắng về cuộc phản công của Ukraine

Động thái thúc giục của Kyiv cũng diễn ra trong bối cảnh một số đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ bày tỏ hoài nghi về việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiyv, cho rằng Nhà Trắng thiếu minh bạch tài chính và tầm nhìn chiến lược.

Trong khi đó, Moscow đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không cung cấp F-16 cho Ukraine, cho rằng động thái này có thể được hiểu là mối đe dọa hạt nhân vì những máy bay này có thể mang vũ khí nguyên tử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.