Về Đông Thượng, nghe tiếng đục, tiếng bào làm nên linh hồn mộc xứ Kinh Bắc

Thái Trọng
Thái Trọng
16/09/2019 07:41 GMT+7

Làng Đông Thượng, xã Lãng Sơn, Yên Dũng (Bắc Giang) nổi tiếng với nghề mộc truyền thống lâu đời. Những nghệ nhân Đông Thượng vang danh gần xa với tay nghề tinh xảo, độ chính xác và tính thẩm mỹ cao.

Yên Dũng là một vùng đất cổ có bề dày về lịch sử văn hoá và nhiều làng nghề truyền thống của tỉnh Bắc Giang. Trong đó, nghề mộc ở làng Đông Thượng là một phần không thể thiếu, tạo nên giá trị văn hóa của vùng đất này.
Làng nghề mộc Đông Thượng, xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 15km. Lâu nay được biết đến là nơi sản xuất ra nhiều đồ gỗ đẹp và uy tín trên thị trường tỉnh Bắc Giang. Bắt đầu từ năm 1965, đã có một số hộ dân bắt đầu chuyên về nghề mộc. Đầu tiên là các sản phẩm làm bằng tre ngâm như tràng kỷ, chõng tre, giường và khung nhà làm bằng tre...
Công đoạn chạm khắc, tạo đường nét, hình khối cho sản phẩm - Ảnh:Thái Trọng
Ngoài số ít người cao tuổi còn sức khỏe gắn bó với nghề, hiện nay làng có nhiều người trẻ đã và đang duy trì nghề mộc truyền thống của làng. Khắp các nẻo xóm của Đông Thượng, đi đến đâu cũng nhộn nhịp tiếng xẻ gỗ, tiếng đục, tiếng bào. Những nghệ nhân Đông Thượng nổi tiếng gần xa với tay nghề tinh xảo từ đồ nội thất, đồ thờ đến gốc cây nghệ thuật.
Ông Chu Văn Nghĩa - đại diện chính quyền thôn Đông Thượng cho biết: "Hiện nay ở Đông Thượng có khoảng 40 xưởng mộc mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 120 lao động. Nghề mộc đã giúp cho kinh tế của địa phương khá giả hơn, mọi hoạt động giao lưu văn hóa, đời sống gia đình cùng vì đó mà được nâng cao rõ rệt." 
Ông Nghĩa đang hướng dẫn con trai chỉnh sửa đường nét cắt trên máy cưa dây - Ảnh: Thái Trọng
Nghệ nhân Bùi Thế Tuấn được biết đến đôi bàn tay khéo léo, làm nên những tác phẩm có tính nghệ thuật cao, đặc biệt là những bàn ghế, đồng hồ, chiếu ngựa từ gốc cây. Anh là thế hệ tiếp nối của một gia đình có truyền thống làm nghề mộc ở làng. Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã được cha truyền dạy cho những kỹ thuật, kinh nghiệm làm nghề cốt yếu của chế tác gỗ mỹ nghệ. Tiếp nối ngọn lửa nghề từ thế hệ đi trước, anh Tuấn nay đã thành lập và phát triển hai xưởng sản xuất gỗ mỹ nghệ trên địa bàn.
Anh Tuấn bên một sản phẩm tượng gỗ mỹ nghệ dùng làm khung đồng hồ đứng - Ảnh: Thái Trọng
Xưởng mộc mỹ nghệ của anh Tuấn chủ yếu chế tác các gốc cây, tạo ra nhiều sản phẩm nghệ thuật với đầy đủ mục đích sử dụng như bàn ghế, tủ trưng bày, kệ ti vi, tranh khắc gỗ, tượng trang trí,... Theo anh Tuấn, sự khác biệt chính giữa mộc gốc cây và mộc gia dụng là không thể sản xuất hàng loạt, mỗi gốc cây chỉ có thể cho ra một sản phẩm duy nhất phụ thuộc vào con mắt sáng tạo và óc thẩm mỹ của người thợ. Bởi vậy mà xưởng mộc của anh Tuấn không làm hàng bán sẵn mà chỉ làm hàng đặt yêu cầu riêng của mỗi khách hàng. 
Công đoạn tạo hình cho sản phẩm được anh Tuấn làm bằng máy - Ảnh: Thái Trọng
Những gốc cây được nhập về từ vùng  Quảng Ninh, Lạng Sơn chờ khách hàng đến đặt làm - Ảnh: Thái Trọng

bach-nien-to-nghe-tap2-moc-dong-thuong-tinh-hoa-mi-nghe-kinh-bac-31-7-2019

Qua quá trình phát triển, làng nghề mộc Đông Thượng đang dần phát triển theo hướng hiện đại hóa sản xuất. Trước đây các công đoạn làm ra sản phẩm chủ yếu như xẻ, khoan, cưa, đục, tiện, phay, bào, đánh bóng, phun sơn... đều làm bằng tay thì bây giờ được thay thế bằng máy móc, thiết bị hiện đại. Do đó nhiều sản phẩm có những đường nét hoa văn tinh xảo được thể hiện phong phú, sống động qua những tấm gỗ, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
Mặc sự xoay vần của thời cuộc, những nghệ nhân làng Đông Thượng vẫn miệt mài thổi hồn vào gỗ, để lại dấu ấn trong những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Những pho tượng uy nghi, những bức tranh trên gỗ lộng lẫy đã góp phần làm rạng danh làng mộc và để lại những tinh hoa giá trị của nghề cho những thế hệ mai sau của Đông Thượng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.