Xem nhanh: Ngày 454 chiến dịch, Nga dập tắt đột kích qua biên giới; NATO soạn lại kế hoạch đương đầu

Xem nhanh: Ngày 454 chiến dịch, Nga dập tắt đột kích qua biên giới; NATO soạn lại kế hoạch đương đầu

24/05/2023 22:43 GMT+7

Theo tờ The Guardian, 9 người vẫn còn trong bệnh viện, nguồn cung cấp tiện ích tiếp tục bị gián đoạn và hơn 500 người vẫn phải di dời sau cuộc tấn công vào Belgorod hôm 22.5, theo thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov.

Trong một bài đăng trên Telegram, vị quan chức cho biết đã có một số lượng lớn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV). Hầu hết các hệ thống phòng không đã đối phó được với đợt tập kích nhưng một số ô tô, nhà riêng, tòa nhà văn phòng vẫn hứng chịu nhiều thiệt hại. Không có thương vong nào được báo cáo.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 70 tay súng, phá hủy 4 xe chiến đấu bọc thép, 5 xe bán tải trong chiến dịch đẩy lùi cuộc đột kích của "nhóm trinh sát và phá hoại" từ Ukraine. Trong số các phương tiện bị phá hủy, Nga nói có 7 phương tiện bọc thép được cho là của phương Tây.

Cả Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đều tỏ ra hoài nghi về tính xác thực của các hình ảnh và video về “xe bọc thép phương Tây" mà Moscow công bố. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder nói, Mỹ chỉ cung cấp các xe quân sự này cho Ukraine, mà không cấp cho bất cứ tổ chức bán quân sự nào bên ngoài quân đội Ukraine.

Theo các nhà phân tích sự phương Tây, cuộc tấn công kéo dài 2 ngày từ Ukraine vào vùng biên giới phía tây của Nga có thể buộc Điện Kremlin phải chuyện quân khỏi tiền tuyến khi Kyiv chuẩn bị một cuộc phản công lớn và giáng cho Moscow một đòn tâm lý.

Các chuyên gia cho biết mặc dù Kyiv đã phủ nhận trách nhiệm liên quan vụ việc, nhưng cuộc đột kích xuyên biên giới lớn nhất từ Ukraine kể từ đầu xung đột gần như chắc chắn được phối hợp với các lực lượng vũ trang của Ukraine, theo Reuters.

Ông Neil Melvin, nhà phân tích tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI) cho biết: “Người Ukraine đang cố gắng lôi kéo người Nga theo các hướng khác nhau để tạo ra những khoảng trống. Người Nga buộc phải gửi quân tiếp viện”.

Cuộc tấn công diễn ra cách xa tâm điểm giao tranh ở khu vực Donbass và cách tiền tuyến khoảng 160 km ở khu vực Kharkiv.

Tại vùng Donbass, ở thành phố Bakhmut mà Nga vừa kiểm soát, một quan chức thân Nga của chính quyền “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng hôm 23.5 nói sẽ đổi tên thành phố này, dùng lại tên cũ từ thời Liên Xô là "Artemovsk".

Ông Denis Pushilin, quyền lãnh đạo “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng (DPR), nói trong một video trên kênh Telegram rằng "Ukraine bây giờ không còn kiểm soát Bakhmut nữa, mà là Nga".

Đoạn video cho thấy ông Pushilin đi bộ trên đường phố Bakhmut bị tàn phá nặng nề và cắm cờ DPR trên nóc một tòa nhà.

Ông tuyên bố việc kiểm soát Bakhmut sẽ mở ra một con đường cho các lực lượng Nga giành được nhiều bước tiến hơn nữa ở Ukraine.

Ông cũng cam kết Bakhmut "sẽ được tái thiết", hứa hẹn những ngôi nhà, nơi làm việc và trường học mới sẽ mọc lên ở thành phố đổ nát này.

Trong khi đó, người lãnh đạo lực lượng quân sự tư nhân Wagner Yevgheni Prigozhin hôm 23.5 thừa nhận “lực lượng Ukraine đang là một trong những đội quân mạnh nhất thế giới".

Ông Prigozhin nhận định quân đội Ukraine đã chiến đấu quyết liệt, đặc biệt ở thành phố Bakhmut, nơi họ giằng co với lực lượng Wagner suốt nhiều tháng.

Ông đánh giá quân đội Ukraine có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, các binh sĩ được huấn luyện bài bản, tư duy tác chiến tốt và có thể sử dụng bất cứ thiết bị quân sự nào, cả hệ thống chuẩn Liên Xô lẫn NATO.

Giới lãnh đạo Ukraine đã tỏ rõ mong muốn được kết nạp vào liên minh quân sự NATO. Giới lãnh đạo NATO cho đến nay vẫn không đưa ra cam kết nào cụ thể về tiến trình kết nạp. Tuy nhiên, các thành viên NATO được cho là đang chú ý đến một hình thức thỏa thuận mà trong đó các đồng minh phương Tây dù cam kết tiếp tục chuyển giao vũ khí và viện trợ quân sự cho Kyiv nhưng không có nghĩa vụ bắt buộc phải chống lại Nga.

Lãnh đạo Cơ quan Tình báo liên bang Đức (BND) Bruno Kahl đánh giá Nga có khả năng tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine "trong một thời gian dài". Theo hãng tin Sputnik, ông Kahl dẫn dữ liệu của tình báo Đức nói rằng ngay cả khi có những chỉ trích quân đội Nga về việc cung cấp đạn dược thì vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy hệ thống đó đang “lung lay" hay “sụp đổ". Nga vẫn có thể tiến hành các hoạt động quân sự trong dài hạn, bổ sung binh sĩ, vũ khí và đạn dược cho quân đội.

Trong khi đó, Reuters đưa tin Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell ngày 23.5 cho biết các thành viên EU đã cung cấp 220.000 quả đạn pháo cho Ukraine. Số đạn này được chuyển đi theo một kế hoạch được đưa ra cách đây 2 tháng nhằm tăng cường cung cấp đạn dược cho Kyiv.

Còn Theo tờ Financial Times, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại một hội nghị quốc phòng ở London tuyên bố các đồng minh phương Tây sẵn sàng hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột trong nhiều năm.

Trong nhiều thập niên kể từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, liên minh quân sự NATO chỉ tham dự một số cuộc xung đột nhỏ như ở Afghanistan. Vì vậy, NATO không còn vạch ra các kế hoạch chi tiết về kịch bản đương đầu quân sự với Nga. Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến khối này suy nghĩ lại.

Hãng thông tấn Nga RIA dẫn lại thông tin từ tòa án cho biết phóng viên Evan Gershkovich của báo The Wall Street Journal sẽ bị tạm giam cho đến ngày 30.8.

Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ ông Gershkovich, một công dân Mỹ, vào ngày 29.3 tại thành phố Yekaterinburg. Ông Gershkovich đã bị cáo buộc thu thập bí mật quốc gia về tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga.

Cả ông Gershkovich lẫn báo The Wall Street Journal đều phủ nhận cáo buộc gián điệp. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông Gershkovich đang bị Nga giam giữ bất hợp pháp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.