Nga đang tìm mua lại vũ khí từ những nước nào?

Nga đang tìm mua lại vũ khí từ những nước nào?

18/11/2023 19:04 GMT+7

Tờ Wall Street Journal đưa tin Nga đã tiếp cận một số quốc gia đã mua vũ khí Nga trước đây để tìm cách mua lại nhằm phục vụ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Theo tờ Wall Street Journal, Nga đã tiếp cận một số quốc gia với hi vọng mua lại vũ khí đã bán cho họ để triển khai đến Ukraine. Tờ báo này dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết các cuộc đàm phán bí mật đã diễn ra với Ai Cập, Belarus, Brazil và Pakistan.

Có ba nguồn tin nói Ai Cập đã đồng ý trả lại 150 động cơ trực thăng một cách nhanh chóng và lặng lẽ. Wall Street Journal đưa tin số động cơ này dự kiến sẽ trở lại Nga trong vòng một tháng.

Nga cũng yêu cầu được mua lại 4 động cơ từ Pakistan, 6 động cơ từ Belarus và 12 động cơ từ Brazil. Trong khi Pakistan phủ nhận, hai nguồn tin giấu tên nói với hãng tin này rằng Belarus - một đồng minh thân cận của Nga - đã đồng ý.

Một quan chức Brazil nói các quan chức nước này đã từ chối bán lại cho Nga. Chưa thể xác minh độc lập các báo cáo và Bộ Quốc phòng Nga cũng không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Nga muốn mua lại vũ khí đã bán cho các nước khác vì nhu cầu ở Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Vladimir Putin (phải) đến thăm trụ sở của quân đội Nga tham gia chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine tại Rostov-on-Don, ngày 10.11.2023

REUTERS

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Ai Cập tìm cách cân bằng mối quan hệ với Mỹ - nhà cung cấp viện trợ quân sự lâu đời - và mối quan hệ nồng ấm trong lịch sử với Nga.

Egypt Independent đưa tin, từ năm 2018 đến năm 2022, Ai Cập là một trong ba khách hàng mua vũ khí hàng đầu của Nga.

Theo Washington Post, một thỏa thuận bí mật gửi 40.000 rốc két cho Nga đã thất bại sau áp lực của Mỹ hồi đầu năm nay. Điều đó đã thúc đẩy Nga yêu cầu Ai Cập cung cấp động cơ máy bay trực thăng thay thế, theo Wall Street Journal. Đổi lại, Nga được cho là sẽ xóa một số khoản nợ và tiếp tục gửi các chuyến hàng lúa mì.

Thỏa thuận này sẽ rất hấp dẫn vì Ai Cập trong vài năm qua đã gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về nguồn cung lúa mì - một loại lương thực chính trong chế độ ăn uống của người Ai Cập.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Chris Murphy nói với Washington Post rằng nếu thỏa thuận được tiến hành, Mỹ sẽ “cần phải tính toán nghiêm túc về tình trạng mối quan hệ” giữa hai nước.

Thông tin về việc Nga tìm mua lại sản phẩm công nghệ quân sự xuất hiện cùng lúc với việc Tổng thống Vladimir Putin đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt quốc tế, Nga vẫn tiếp cận nguồn cung vũ khí và các phụ tùng, linh kiện cần thiết để chế tạo vũ khí bằng cách khai thác các lỗ hổng, cũng như dựa vào mối quan hệ của nước này với các quốc gia như Triều Tiên và Syria.

Vào tháng 9, Estonia cảnh báo rằng Nga đã vượt xa các quốc gia phương Tây trong việc sản xuất đạn dược.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.