Vụ 'mánh lừa đoạt tiền qua điện thoại': Lừa đảo xuyên quốc gia

19/02/2014 09:35 GMT+7

(TNO) Về việc Công an TP.HCM vừa bắt được Trần Văn Tèo (25 tuổi), Trần Văn Huy (21 tuổi, cùng quê TP.Cần Thơ) liên quan vụ Mánh lừa đoạt tiền qua điện thoại, cơ quan điều tra cho biết đây là tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia.

(TNO) Về việc Công an TP.HCM vừa bắt được Trần Văn Tèo (25 tuổi), Trần Văn Huy (21 tuổi, cùng quê TP.Cần Thơ) liên quan vụ "Mánh lừa đoạt tiền qua điện thoại", cơ quan điều tra cho biết đây là tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia.

Tèo và Huy tại cơ quan công an - Ảnh: Đàm Huy

>> Mánh lừa đoạt tiền qua điện thoại: Thông tin thuê bao bị rò rỉ?
>> Mánh lừa đoạt tiền qua điện thoại

Trao đổi với Thanh Niên Online ngày 19.2, cơ quan điều tra Công an TP.HCM cho biết đây là nhóm tội phạm lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ viễn thông để kết nối vào đường truyền điện thoại của cơ quan pháp luật Việt Nam nhằm đánh lừa người bị hại.

Tại cơ quan công an, Tèo và Huy thừa nhận dù biết người nước ngoài mua thẻ ngân hàng với mục đích lừa đảo người Việt nhưng Tèo và Huy vẫn bất chấp để kiếm tiền tiêu xài.

Qua đó, trong lúc làm thuê tại Campuchia, Tèo được một người Trung Quốc bảo về nước tìm người đăng ký thẻ thanh toán quốc tế (có đăng ký dịch vụ chuyển tiền qua internet, thông báo qua điện thoại) để mua lại.

Tháng 11.2013, Tèo về nước đăng ký một thẻ Visa và một thẻ Master tại Ngân hàng Vietcombank, đứng tên mình.

Tiếp theo, Tèo liên hệ với 2 người tại TP.Cần Thơ mua được 7 thẻ (1 triệu đồng/thẻ) Visa và Master rồi đem tất cả qua Campuchia giao cho người Trung Quốc này.

Ngày 25.12.2013, Tèo tiếp tục về nước và tìm gặp Trần Văn Huy để hỏi mua thẻ thanh toán quốc tế.

Ngày 26.12.2013, Huy đi đăng ký một thẻ Visa và một thẻ Master tại Ngân hàng ACB, đứng tên và số điện thoại của mình.

Ngày 30.12.2013, Huy nhận được thẻ Master và giao cho Tèo. Ngày 5.1.2014, Huy tiếp tục nhận thẻ Visa rồi đưa cho Tèo, riêng sim điện thoại đăng ký tại ngân hàng, Huy giữ lại.

Tèo báo số tài khoản và mật khẩu của Huy cho người Trung Quốc biết nhưng chưa giao thẻ. Ngày 9.1.2014, Huy nhận được 4 tin nhắn có người chuyển hơn 1,1 tỉ đồng vào tài khoản. Thấy số tiền quá lớn, Huy bàn với Tèo rút ra chia nhau tiêu xài.

Trong vòng hai ngày 9 và 10.1, Tèo và Huy đã rút được 90 triệu đồng. Ngày 11.1.2014, Tèo và Huy đến Ngân hàng ACB - Chi nhánh Nguyễn Văn Trỗi (TP.HCM) rút tiền thì bị công an bắt giữ.

Mọi người hết sức cảnh giác

Theo cơ quan công an, nạn nhân mà nhóm lừa đảo quốc tế này hướng tới là những người lớn tuổi. Vì vậy khi thấy số máy gọi đến là số tổng đài hay xác minh gọi lại biết đó là số của cơ quan công an thì họ rất tin.

Công an TP.HCM khuyến cáo: “Đây là hình thức lừa đảo tinh vi, có tổ chức và quy mô quốc tế nên mọi người cần hết sức cảnh giác trong việc nói chuyện điện thoại với người lạ, nhất là những nội dung trao đổi có tính hù dọa rồi sau đó bảo chuyển tiền. Bên cạnh đó, những ai chỉ vì lợi ích 1 - 2 triệu đồng mà đứng ra làm thẻ ngân hàng rồi bán lại cho người khác thì rất dễ tiếp tay cho những kẻ lừa đảo. Do đó, người dân khi gặp trường hợp này, một mặt cần duy trì cuộc đàm thoại với đối tượng gọi đến, mặt khác hãy thông báo đến Đội 8 - PC46, Công an TP.HCM. ĐT: (08) 3864.0508 hoặc cơ quan công an gần nhất".

 Đàm Huy - Công Nguyên 

>> Tội phạm buôn người
>> Thế chấp dự án căn hộ đã bán cho dân: Mánh lừa đảo của chủ đầu tư
>> Bị lừa bởi những mánh lừa... đơn giản
>> Những mánh lừa thẻ cào
>> Cảnh giác với mánh lừa "mua dầu gội trúng xe Attila"!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.