Nga - Trung Quốc thêm gắn kết kinh tế với hành lang ngũ cốc mới?

Nga - Trung Quốc thêm gắn kết kinh tế với hành lang ngũ cốc mới?

22/05/2023 09:38 GMT+7

Nga đang thúc đẩy một hành lang trên bộ ở vùng Viễn Đông nhằm xuất khẩu thêm ngũ cốc sang vùng Nội Mông ở đông bắc Trung Quốc.

Cụ thể, hãng thông tấn TASS vào đầu tháng 5 dẫn thông báo của Điện Kremlin cho biết Nga sẽ tăng cường xuất khẩu ngũ cốc sang Trung Quốc thông qua một hành lang ngũ cốc trên bộ mới.

Theo bài báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị nội các và ngân hàng trung ương xây dựng một thỏa thuận liên chính phủ và hoàn thiện mọi công việc cần thiết trước ngày 1.10.

Dự án ấp ủ từ lâu

Ý tưởng xây dựng hành lang ngũ cốc trên đất liền, kết nối Trung Quốc với các nước thuộc Liên minh Á - Âu, lần đầu tiên được Bắc Kinh đề xuất vào năm 2012, và nhận được sự ủng hộ từ Tổng thống Putin vào năm 2016.

Việc xây dựng nhà ga ngũ cốc Zabaikalsk (GTZ), một cơ sở trung chuyển đường sắt ở biên giới Nga với Nội Mông, được tiến hành vào tháng 7.2020. Theo truyền thông Nga, tính đến tháng 4.2022, dự án đã hoàn thiện 75%. Trong thời gian chờ nhà ga khánh thành, hiện hầu hết ngũ cốc của Nga bán cho Trung Quốc vẫn đang được vận chuyển từ biển Đen.

Phân cực kinh tế Nga - Trung với phương Tây ngày một rõ? - Ảnh 1.

Nga muốn đẩy nhanh dự án với Trung Quốc là vì gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh phương Tây ngày càng siết chặt cấm vận

REUTERS

Ông Karen Ovsepian, giám đốc điều hành GTZ, cho biết tổng vốn đầu tư theo chương trình hành lang ngũ cốc mới sẽ lên tới 500 tỉ rúp.

Theo hãng tin TASS, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21.3, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin một lần nữa nhấn mạnh rằng Moscow sẽ “xem xét việc ký kết một thỏa thuận liên chính phủ giữa Nga và Trung Quốc” trước ngày 1.10.

Đôi bên cùng có lợi

Theo nhà nghiên cứu Trung Quốc Trương Hồng, hành lang mới trên bộ sẽ cho phép Nga xuất khẩu nhiều lúa mì và lúa mạch hơn vì có lợi thế cả về giá cả và chất lượng. Trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, chuyên gia này cũng nói thêm rằng thương mại nông sản giữa Trung Quốc và Nga “hiện không lớn lắm”.

Bên cạnh đó, theo truyền thông tỉnh Hà Bắc, do các biện pháp trừng phạt, Nga bị loại khỏi thị trường phương Tây và phải chuyển hướng sang phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Đồng thời Trung Quốc cũng đang tìm cách phát triển kinh tế để cạnh tranh với Mỹ, nên cả Trung Quốc và Nga đều có lợi nếu có thể hợp tác để vượt qua các biện pháp cấm vận và kiểm soát của phương Tây.

Ngoài ra, với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình quốc tế trong những năm gần đây, tính ổn định của chuỗi cung ứng ngũ cốc ở nước ngoài của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể giảm rủi ro do nhập khẩu ngũ cốc từ các nước ở Nam Mỹ và Bắc Mỹ bằng cách gia tăng mua hàng của Nga.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.